Thực hiện phổ cập giáo dục các cấp học

Thành công và thách thức

09:21 - Thứ Sáu, 25/08/2017 Lượt xem: 4856 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện công tác phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp học; có thể khẳng định, giáo dục đã làm thay đổi rõ rệt trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên... Song để thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ này trong giai đoạn tiếp theo, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức mới đang chờ...

Tháng 3/2011, thời điểm Chỉ thị số 10/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành, tỉnh Điện Biên có 433 trường học các cấp (97 trường đạt chuẩn quốc gia) với 6.226 lớp, trên 127 nghìn học sinh; tổng số cán bộ quản lý, giáo viên 10.578 người; trong đó, tỷ lệ giáo viên đào tạo đạt chuẩn ở tất cả các cấp học đều dưới 50%. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) gồm 6.188 phòng học (3.148 phòng kiên cố, 1.234 bán kiên cố, 1.063 phòng tạm và 1.463 phòng học bộ môn)...

 

Một buổi học xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Nà Tòng, xã Nà Tòng (huyện Tuần Giáo).

Ngay sau khi Chỉ thị có hiệu lực thi hành, việc triển khai được khẩn trương thực hiện. Nhiệm vụ quán triệt nội dung chỉ thị được thực hiện, bao gồm cả các chỉ thị, nghị quyết liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh. Ban Chỉ đạo PCGD tỉnh với sự tham gia của lãnh đạo từ UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và thường trực ban chỉ đạo là ngành GD & ĐT đã nhanh chóng bắt tay vào đánh giá tình hình thực tế, vạch ra kế hoạch, chương trình hoạt động với những nội dung cụ thể, rõ ràng. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác huy động dân số trong độ tuổi đến trường; đổi mới mạnh mẽ quản lý Nhà nước về GD & ĐT; quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và thiết bị dạy học... được chú trọng thực hiện. Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai các mục tiêu chung và công tác PCGD, xóa mù chữ (XMC) nói riêng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội (KT - XH) của từng địa phương; tập trung xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu học sinh lưu ban, bỏ học, đi học không chuyên cần, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia...

Như “luồng gió mới”, chúng ta có thể thấy việc triển khai Chỉ thị số 10/CT-TU đã về đến mọi cấp, mọi ngành. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp, việc điều tra và dạy phổ cập, dạy XMC vốn đã quen thuộc nay lại được tiếp thêm động lực tiếp tục triển khai. Trong nhiều trường hợp, khó khăn và thành quả của việc PCGD và XMC chia đều cho cả quá trình vận động, thuyết phục đi học, đi học lại và ngày tháng rèn chữ, luyện bài. Nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã trở thành giáo viên ở các bản vùng cao; nhiều cán bộ đoàn thể (phụ nữ, mặt trận, dân vận...) ở mọi cấp, trong nội dung tuyên truyền, vận động, đôn đốc hội viên có cả việc đi học chữ, cho con em đến trường, tham gia ủng hộ xây dựng trường lớp học, ủng hộ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng; sự vào cuộc bằng những chủ trương, kế hoạch, hoạt động cụ thể của chính quyền, đoàn thể các cấp... công tác PCGD, XMC đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục đối với quá trình phát triển KT - XH có những chuyển biến tích cực; các tiêu chí đạt chuẩn PCGD, XMC được thực hiện vượt kế hoạch; hệ thống trường, lớp, học sinh không ngừng tăng; chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả từng bước được nâng lên; kinh phí đầu tư cho giáo dục được tăng cường, cơ sở vật chất thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng các điều kiện tối thiểu phát triển sự nghiệp GD & ĐT. Đến năm 2016, toàn tỉnh đã có 473 trường học ở 3 cấp (mầm non, tiểu học, THCS) với hơn 7.000 lớp, gần 160 nghìn học sinh. Số trường đạt chuẩn quốc gia cũng tăng lên con số 272. Đội ngũ cán bộ, quản lý giáo dục và giáo viên được bổ sung đạt gần 12 nghìn người; trong đó, đào tạo trên chuẩn tăng vượt trội (mầm non từ 57,4 năm 2011 lên 78,3 năm 2016, tiểu học từ 63% lên 81,2% và THCS từ 55% lên 78,8%); số phòng học tăng gần 830, trong đó, phòng học kiên cố tăng 514, bán kiên cố tăng 447, phòng học tạm giảm 130. Tỷ lệ huy động học sinh các độ tuổi đến trường không ngừng tăng qua từng năm. Đặc biệt, khối mầm non, trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non duy trì tỷ lệ 100% ngay từ năm 2012 đến nay; đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100% duy trì từ năm 2014 đến nay... Thời điểm năm 2011, tỷ lệ người từ 15 - 22 biết chữ của tỉnh là 97,1%, từ 26 - 35 là 91% và từ 36 - 60 là 73,9% nhưng đến nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Người trong độ tuổi 15 - 60 được công nhận biết chữ mức độ 1 là 93,95%; từ 15 - 35 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 97,76% và từ 15 - 35 biết chữ mức độ 2 là 85,69%. Toàn tỉnh có 86 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn XMC mức độ 1, mức độ 2 là 33,85% và 90% đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn XMC mức độ 1, mức độ 2 là 20%...

Thành công là thế, song xuất phát từ thực tế điều kiện KT - XH của tỉnh, những khó khăn, tồn tại của giai đoạn vừa qua và cả những điều kiện khách quan, chủ quan có thể đoán biết phần nào trong thời gian tới; có thể nói rằng việc triển khai Chỉ thị số 10/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chắc chắn có nhiều thách thức. Bên cạnh những khó khăn, tồn tại, hạn chế đã được đánh giá thẳng thắn trong báo cáo tình hình thực hiện giai đoạn từ 2011 đến nay của tỉnh; về nhận thức, công tác lãnh đạo chỉ đạo, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, điều kiện thực tế về cơ sở vật chất... thì còn những vấn đề khác đến từ khách quan.

Đơn cử như tại huyện Tuần Giáo, mặc dù đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ giai đoạn vừa qua, song hiện dân số từ 15 - 60 tuổi của huyện cần phải phổ cập XMC vẫn còn gần 54,4 nghìn người; trong khi địa bàn rộng, khoảng cách giữa các bản xa, học viên nằm rải rác, đời sống khó khăn… Giải quyết được bài toán giáo viên khi học viên phân tán, làm tốt khâu vận động, tuyên truyền, nâng cao chất lượng đào tạo... thì vấn đề tái mù chữ, thiên tai bão lũ làm thiệt hại cơ sở vật chất, kinh phí chi hoạt động này vẫn luôn và sẽ tiếp tục là vấn đề cần giải quyết. Cấp huyện đã khó, để hoàn thành mục tiêu toàn tỉnh sẽ còn khó khăn hơn khi nhận thức về vấn đề PCGD các cấp học của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đoàn thể và nhân dân chưa cao, chưa đồng đều; ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp GD & ĐT thấp; trong khi đòi hỏi về nâng cao chất lượng người học, điều kiện dạy và học; vấn đề tinh giản biên chế đang được đặt ra... 

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giai đoạn đến 2020, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã đề ra 5 nhóm mục tiêu, 8 giải pháp thực hiện cùng một số kiến nghị đề xuất. Trên tinh thần phát huy thành công, nhận thức rõ khó khăn, thách thức, hi vọng công tác PCGD các cấp học của tỉnh sẽ tiếp tục thành công trong thời gian tới...

Bài, ảnh: Mai Thủy
Bình luận
Back To Top