Không nhân rộng mô hình trường học mới VNEN

10:39 - Thứ Sáu, 01/09/2017 Lượt xem: 5664 In bài viết
ĐBP - Năm học 2012 - 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa vào thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN). Đến tháng 5/2016 mô hình thí điểm kết thúc. Cùng với cả nước, Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) được triển khai tại Điện Biên từ năm học 2012 - 2013 đối với khối tiểu học, với khối THCS từ năm học 2015 - 2016. Năm học 2016 - 2017, trên tinh thần của ngành GD&ĐT, tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình giáo dục này tại 154/180 trường tiểu học, 66 trường THCS.

Qua thời gian triển khai, bên cạnh những ưu điểm mà mô hình giáo dục VNEN mang lại, như là: Học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, chủ động trong học tập…  vẫn còn khó khăn cần phải giải quyết. Bởi với đặc thù địa phương chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, chưa nói thông viết thạo, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề còn chậm... học theo mô hình VNEN giáo viên phải hướng dẫn từng nhóm, mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao... Hơn nữa, về nhà, phần nhiều học sinh không dành thời gian ôn luyện mà chủ yếu giúp gia đình việc nhà nên việc duy trì và nâng cao kiến thức rất khó khăn.

 

Tiết dạy học theo mô hình VNEN ở Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa).

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 do Sở GD&ĐT tổ chức ngày 11/8; đồng chí Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT tỉnh không nhân rộng mô hình VNEN; đồng thời, cho rằng cần tổ chức đánh giá kết quả, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, chú ý những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là chưa phù hợp với tình hình, điều kiện của các địa phương từ đó sẽ có giải pháp hợp lý. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm học 2017 - 2018, tỉnh Điện Biên không mở rộng mô hình VNEN mà chỉ duy trì tại các trường đã triển khai. Hiện nay, toàn tỉnh có 154/180 trường tiểu học và 66 trường THCS áp dụng dạy và học theo mô hình VNEN. Mô hình được triển khai ấn định tại tất cả địa phương theo khảo sát của Bộ GD&ĐT. Còn với các trường triển khai mở rộng thì thực hiện theo hình thức ban giám hiệu các trường và lãnh đạo phòng GD&ĐT tự nguyện đăng ký thực hiện. Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, VNEN là mô hình học mới, lấy phương pháp dạy hướng vào phát triển con người, biến hoạt động giáo dục của nhà trường thành hoạt động tự giáo dục của học sinh. Với phương pháp dạy học này, học sinh sẽ tích cực, chủ động, sáng tạo hơn, giáo viên là người hướng dẫn hỗ trợ giúp đỡ khi học sinh gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là mô hình đòi hỏi cao về trình độ giáo viên, trang bị cơ sở vật chất và mặt bằng nhận thức học sinh. Năm học này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành sẽ không nhân rộng mô hình VNEN mà chỉ duy trì các đơn vị đã được triển khai từ vài năm trước.

Thời gian tới, để mô hình VNEN mang lại hiệu quả thiết thực, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, ngành sẽ tăng cường tổ chức, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, giáo viên dạy tại các trường đã và đang triển khai mô hình VNEN; thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề, mời chuyên gia của Bộ GD&ĐT giải đáp những thắc mắc trong lĩnh vực chuyên môn…

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top