Để ngày khai giảng thực sự ý nghĩa

10:48 - Thứ Sáu, 01/09/2017 Lượt xem: 5201 In bài viết
ĐBP - Những năm trước, không ít trường tổ chức lễ khai giảng rất dài, rườm rà và nặng về báo cáo thành tích, mà chưa hướng tới chủ thể chính là học sinh. Cách làm đó đã dần khiến ngày khai giảng vơi bớt sự thiêng liêng, trở nên gò ép đối với nhiều giáo viên và học sinh. Một vài năm trở lại đây, việc tổ chức ngày khai giảng đã có nhiều thay đổi. Các trường đã chú ý đến việc sắp xếp thời gian diễn ra các nghi thức, diễn văn, phát biểu sao cho phù hợp, hạn chế việc để học sinh ngồi mệt mỏi dưới sân trường. Bên cạnh đó, các trường cũng tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian giữa học sinh với nhau, trong sự cổ vũ, khích lệ của giáo viên, phụ huynh cùng khách mời để các em có cảm giác đây thực sự là ngày vui của mình. Từ đó, tạo cho các em tinh thần tốt bước vào năm học mới và luôn giữ được cảm xúc đặc biệt, háo hức mong chờ khi nghĩ đến ngày khai giảng.

 

Học sinh Trường THCS và THPT Quài Tở (huyện Tuần Giáo) vui chơi sau phần lễ khai giảng năm học 2016 - 2017.

Cũng với quan điểm đó, từ trung tuần tháng 8/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã gửi công văn hướng dẫn chuẩn bị và tổ chức khai giảng đến phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở. Trong đó nhấn mạnh: “Ngày khai giảng năm học mới 2017 - 2018 chung cho các cấp học là ngày 5/9. Thời gian tổ chức từ 90 - 120 phút (trường hợp thời tiết thuận lợi), phần lễ kéo dài tối đa 45 phút. Bài phát biểu của đại biểu (nếu có) và diễn văn khai giảng cần ngắn gọn, súc tích, phù hợp với lứa tuổi học sinh… Căn cứ điều kiện thực tế, các đơn vị tổ chức phần hội cho phù hợp, lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường thực sự là ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường”.

Với đặc thù trường mầm non, việc tổ chức lễ khai giảng càng cần nhanh gọn hơn. Tại Trường Mầm non Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng đã gần hoàn thành. Cô Lê Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trước khi đón các con tựu trường, giáo viên tập trung lao động dọn dẹp sạch sẽ và trang trí trường, lớp trong 2 tuần liên tiếp. Ngày khai giảng sắp đến, chúng tôi sẽ tổ chức buổi lễ như một buổi trò chuyện những điều gần gũi với trẻ để các con cảm thấy thoải mái, ghi nhớ được tên trường, tên lớp. Và để thu hút trẻ nhỏ thì không thể thiếu các tiết mục hát, múa sôi nổi, vui vẻ. Dự kiến chương trình chỉ diễn ra trong 30 - 40 phút. Sau đó cho trẻ về lớp chơi trò chơi vì sân trường hẹp, không thể tổ chức hoạt động tập thể”.

Ở các huyện vùng cao, ngày khai giảng cũng đã sẵn sàng diễn ra. Háo hức nhất chính là các em học sinh với niềm vui trở lại trường, gặp gỡ bạn bè sau kỳ nghỉ dài. Đối với Trường THPT Nậm Pồ (huyện Nậm Pồ), ngày khai giảng này càng được mong đợi, bởi đây là năm thứ 2 trường đi vào hoạt động và là năm đầu tiên, thầy trò nhà trường đón năm học mới với cơ sở vật chất riêng, những dãy phòng học, nhà nội trú vừa khánh thành, đưa vào sử dụng. Trong niềm vui mừng khôn xiết cùng việc hối hả chuẩn bị cho ngày tựu trường, thầy Lương Đình Tuấn, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: Như chỉ đạo của Sở GD&ĐT, buổi khai giảng sẽ có 2 phần, lễ và hội. Sau phần lễ ngắn gọn, nhà trường sẽ tổ chức phần hội với nhiều trò chơi dân gian, đậm nét văn hóa các dân tộc thiểu số trong vùng dành cho học sinh, như: Tung còn, kéo co, đẩy gậy, xòe… để ngày hội đến trường năm nay sẽ trở thành kỷ niệm đẹp, đáng nhớ đối với mỗi học sinh.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top