Để con chữ gần hơn với bản làng

09:31 - Thứ Tư, 06/09/2017 Lượt xem: 6610 In bài viết
ĐBP - Vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè là rất khó khăn đối với các trường học vùng sâu, vùng xa. Nhất là khi, Điện Biên vừa hứng chịu nhiều cơn lũ lớn gây thiệt hại về người, tài sản. Song với cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và nhất là những nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc bám lớp, bám bản, tích cực huy động học sinh trong độ tuổi tới trường... đến nay việc duy trì sĩ số học sinh trong năm học mới đã cơ bản đảm bảo.

Khác với miền xuôi, trên rẻo cao Điện Biên mỗi khi bước vào năm học mới, chẳng ai còn lạ với hình ảnh giáo viên đến từng bản, từng nhà để vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Bởi cuộc sống còn nhiều khó khăn, cái ăn chưa đủ nên không phải ai cũng coi trọng việc học. Trong chuyến công tác về huyện Điện Biên Đông sau những ngày mưa lũ trung tuần tháng 8, chúng tôi còn nhớ như in hình ảnh giáo viên Trường Mầm non Pá Vạt đi vận động học sinh đến trường. Con đường từ trung tâm Trường Mầm non Pá Vạt xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) đến bản Na Hắt chỉ dài hơn 10km nhưng phải mất 7km đường đất, lầy lội. Để vượt qua quãng đường này, những tay lái cứng là nam giới còn khó khăn lắm mới không bị ngã, ấy thế mà với cô Lò Thị Hương thì dường hết sức bình thường. Cô Hương cho biết: “Năm học 2017 - 2018 được Ban Giám hiệu phân công nhận lớp tại điểm bản Na Hắt; ở đây, cuộc sống người dân còn khó khăn. Nhà dân hầu hết ở trên đồi nên giáo viên phải băng rừng, lội suối mới đến nơi để vận động học sinh đi học. Do đa số người dân đều làm nương, nên có khi phải đi nhiều lần mới gặp được để vận động các em tới lớp”. Vất vả là thế, song bằng sự tâm huyết và tình yêu con trẻ, các thầy cô giáo đã tích cực tuyên truyền lợi ích của việc học tập đến người dân. “Mưa dầm thấm lâu”, từ đó nhiều người dân hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ, giúp con em họ có kiến thức để sau này có cơ hội thoát nghèo. “Chính vì thế, không ít gia đình dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã có ý thức cho con đến trường” - cô Hương vui mừng chia sẻ.

 

Tiết học của thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Mí (huyện Mường Chà).

Ở Điện Biên, công tác giáo dục tất cả các huyện, thị đều có nhiều khó khăn. Khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, trình độ dân trí, nhận thức của người dân… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học. Đó cũng là thực trạng với những người đang làm nghề “gieo chữ” ở Huổi Mí - xã gian nan bậc nhất ở huyện Mường Chà. Có tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất của các trường học và cuộc sống của người dân nơi đây mới thấy hết khó khăn mà địa phương đang phải gồng mình vượt qua. Năm học này, có lẽ là năm đầy niềm vui với thầy trò Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí. Bởi theo thầy Trần Trung Nhân, Hiệu trưởng nhà trường thì đã rất lâu, tỷ lệ học sinh đến trường sau hè cao như năm học này. Trong niềm phấn khởi, thầy Nhân kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về những gian khó của trường thời điểm trước đây. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trường, lớp học còn chật hẹp với những mái nhà tranh vách nứa. Khó khăn là thế, song bằng nỗ lực và tình yêu nghề, hơn 40 cán bộ giáo viên của trường vẫn bám trụ để mang “con chữ” đến gần hơn với đồng bào các dân tộc Huổi Mí. Mỗi thầy cô đã gắn trách nhiệm vào công tác giảng dạy, đặc biệt là việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Như lời của thầy Nhân, hầu hết những năm học trước, cứ sau hè và ngày lễ, tết, số học sinh ở nhà rất nhiều, đặc biệt là sau kỳ nghỉ hè với thời gian dài, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của các em. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, ngay từ cuối năm học 2016 - 2017, Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt đến tất cả giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phụ trách các điểm bản đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của việc học tập. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền xã vận động các em trong độ tuổi đến trường. Nhiều em ở bản xa trung tâm, như: Lùng Thàng, Pa Ít, Huổi Xuân… nhà trường phải đến vận động, thuyết phục nhiều lần phụ huynh mới chịu cho con đi học. Khó khăn là thế, song để con chữ đến gần hơn với bản làng, bằng tấm lòng của các thầy, các cô trong công tác vận động, năm học này, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đã đạt trên 97%. Đó không chỉ là niềm vui đối với thầy Trần Trung Nhân mà cũng là niềm vui đối với toàn thể cán bộ giáo viên nhà trường trong ngày khai giảng sắp tới.

Năm học 2017 - 2018 diễn ra trong bối cảnh mưa lũ đã phá hủy nhiều cơ sở vật chất, các công trình giao thông… khiến cho công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn. Là huyện lòng chảo, song mới đây huyện Điện Biên đã bị ảnh hưởng lớn do mưa lũ gây ra, đặc biệt là địa bàn xã Mường Lói. Chung tay khắc phục những gian nan với địa phương, hỗ trợ học sinh tựu trường đúng thời gian quy định, các chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc, đoàn viên thanh niên huyện Điện Biên đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã cùng với giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Lói vượt suối Nậm Ma đưa hơn 60 học sinh đến điểm trường nhận lớp, chuẩn bị cho năm học mới. Thầy Vũ Văn Du, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trong số 7 điểm trường của nhà trường, thì có 3 điểm trường học sinh phải qua suối mới đến được trường trung tâm. Mặc dù khó khăn, nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức huy động học sinh đến trường đảm bảo cho năm học mới diễn ra đúng thời gian quy định.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Việc huy động học sinh đến trường sau kỳ nghỉ hè dài dù khó khăn, vất vả, nhất là ở các huyện vùng cao, nhưng đến nay cơ bản các địa phương đã dần ổn định việc dạy và học, tỷ lệ học sinh đi học ngày càng tăng. Để có được kết quả đó, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền đến phụ huynh học sinh nhằm động viên học sinh đi học đúng thời gian quy định. Đồng thời, chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị, thành phố hướng dẫn các trường phổ thông dân tộc bán trú đảm bảo tổ chức cho học sinh nơi ăn, nghỉ ngay khi tựu trường để các em yên tâm học tập. Ngoài ra, ngành sẽ thành lập các đoàn thanh, kiểm tra đến các cơ sở giáo dục cập nhật thường xuyên số liệu học sinh để có biện pháp tham mưu với UBND các cấp chỉ đạo các đoàn thể phối hợp thực hiện hiệu quả việc huy động và duy trì học sinh ra lớp học tập.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top