Y tế trường học - Tín hiệu lạc quan

15:42 - Thứ Năm, 07/09/2017 Lượt xem: 4348 In bài viết
Năm học 2017-2018, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh được coi là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó xác định rõ vị trí việc làm của nhân viên y tế trường học là tín hiệu lạc quan cho lĩnh vực công tác vốn còn yếu từ nhiều năm nay.

Yếu và thiếu

Vai trò quan trọng của công tác y tế trường học được thể hiện rõ tại Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trường học. Thực hiện Chỉ thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, việc củng cố nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường được coi là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt. 

 

Chăm sóc sức khỏe học sinh là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường.

Tuy nhiên, ý kiến của hầu hết các địa phương cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 23/2006/CT-TTg, sự chuyển biến về công tác y tế học đường chưa rõ nét. Tỷ lệ trường học có phòng y tế mới đạt hơn 50%, tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách công tác y tế học đường cũng chỉ đạt khoảng 50%. Ngoài ra, cả nước chỉ có khoảng 55% số trường học thực hiện việc quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của học sinh. 

Về nhân lực y tế, tỷ lệ trường học chưa có biên chế nhân viên y tế chiếm khoảng 25% và có sự chênh lệch giữa các địa phương. Quảng Ninh chỉ còn 15% số trường chưa có biên chế nhân viên y tế, trong khi tại Thanh Hóa, tỷ lệ này là gần 90%. 

Tại Hà Nội, trong số gần 2.700 trường học, tỷ lệ trường có nhân viên y tế chiếm khoảng 95%. Hơn 40% trong số này có trình độ đạt yêu cầu theo quy định là y sĩ trung cấp. Những đơn vị chưa có nhân viên y tế chủ yếu là trường ngoài công lập. Vì vậy, để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo những trường thành lập mới từ năm 2015 đến nay phải thực hiện việc ký hợp đồng với nhân viên y tế.

Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm. Dù nhiều trường học có phòng y tế song không phải phòng y tế nào cũng được bảo đảm điều kiện về cơ số thuốc, trang thiết bị. Trong bối cảnh áp lực về sĩ số học sinh, nhất là tại các khu vực đông dân cư, nhiều trường phải sử dụng thêm phòng chức năng để làm phòng học, tình trạng “một phòng, nhiều chức năng”, trong đó kiêm luôn cả phòng y tế đang trở nên phổ biến.

Giải tỏa nỗi lo, chuyên tâm với nghề

Thông tin thu hút sự quan tâm của các nhà trường trong những ngày đầu năm học mới 2017-2018 là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Đáng chú ý, trong số 8 vị trí việc làm của nhà trường có vị trí việc làm của nhân viên y tế. 

Bà Nguyễn Thị Phương Loan, nhân viên y tế Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cho biết, đội ngũ nhân viên y tế đã mong mỏi điều này từ rất lâu. Đây là tín hiệu vui, là động lực giúp nhân viên y tế yên tâm làm việc.

Gắn bó với công tác y tế trường học từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Tài Thành, nhân viên y tế Trường THPT Quốc Oai (huyện Quốc Oai) cho biết, thông thường mỗi trường học chỉ có một nhân viên y tế nên áp lực rất lớn bởi phải làm việc liên tục từ 7h15 đến 17h, chỉ nghỉ ngày chủ nhật. Vì vậy, việc xác định vị trí việc làm của nhân viên y tế trong trường học là vô cùng quan trọng và phù hợp với tình hình hiện nay.

“Với quy mô gần 1.900 học sinh, chia làm 2 ca sáng - chiều, nếu nhân viên y tế không có mặt kịp thời, hoặc chậm trễ, lúng túng khi xử lý sự cố thì sức khỏe của học sinh sẽ bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Tài Thành nhận định. 

Theo tìm hiểu, mức thu nhập của nhân viên y tế trường học hiện nay còn thấp, khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, song đội ngũ này vẫn khá chuyên tâm với công việc. Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa (Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), dù áp lực công việc lớn, thu nhập không cao song vài năm gần đây, tại các trường học trên địa bàn thành phố không có hiện tượng nhân viên y tế bỏ việc. 

Việc xác định vị trí việc làm của nhân viên y tế trong trường học tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT là căn cứ cho các nhà trường tuyển dụng vị trí này để hoàn thiện bộ máy. Đây thực sự là tin vui giúp đội ngũ nhân viên y tế trường học bớt "nhấp nhổm", giải tỏa nỗi lo lắng, bất an và giúp họ chuyên tâm với nghề.

Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 25-8-2017 của UBND TP Hà Nội về triển khai công tác y tế học đường năm học 2017-2018 đặt mục tiêu trọng tâm là củng cố nhân lực và cơ sở vật chất, không để xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm tại trường học. UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã bố trí nhân lực phụ trách công tác y tế học đường theo đúng quy định, bảo đảm chế độ và tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên y tế trường học thực hiện tốt nhiệm vụ.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top