Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên

Một mùa tuyển sinh buồn

10:07 - Thứ Năm, 14/09/2017 Lượt xem: 4474 In bài viết
ĐBP - Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 kết thúc với đánh giá là có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhất từ trước tới nay. Ðây là dấu hiệu vui với các trường đại học, những trường tốp đầu và ngành “hót” bởi chất lượng đầu vào được nâng lên; nhưng với những trường cao đẳng, đặc biệt là cao đẳng sư phạm địa phương không khí tuyển sinh vô cùng ảm đạm. Trường Cao đẳng sư phạm Ðiện Biên cũng không nằm ngoài quy luật ấy, bởi điểm đầu vào chỉ bằng mức sàn mà vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu...

 

Tân sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên tham gia tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên đầu khóa, đầu năm học.

Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên năm nay, tuyển sinh 210 chỉ tiêu ở 6 ngành sư phạm (Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Tiếng Anh). Với 2 hình thức tuyển sinh là: Xét tổng điểm trung bình môn học cả năm (lớp cuối cấp) của 3 môn học theo tổ hợp môn xét tuyển; xét tổng điểm 3 môn kỳ thi THPT quốc gia theo tổ hợp môn xét tuyển. Theo thống kê của Phòng Ðào tạo - Nghiên cứu khoa học, kết thúc xét tuyển đợt 1 mặc dù mức xét tuyển đầu vào chỉ 12 điểm đối với tổ hợp môn xét tuyển ở kỳ thì THPT quốc gia; 14 điểm đối với trường hợp xét tổ hợp môn của năm học cuối cấp; nhưng kết quả tuyển sinh của các ngành Sư phạm Lịch sử, Toán, Sinh học, Ngoại ngữ của trường có rất ít thí sinh nhập học, có ngành còn không có học sinh nhập học. Cụ thể, đến ngày 7/9 ngành Sư phạm Toán, chương trình Toán - Tin chưa có sinh viên nhập học, Sư phạm Tiếng Anh 3 sinh viên, Sư phạm Lịch sử 6 sinh viên, Sư phạm Sinh học 7 sinh viên, Giáo dục Tiểu học 25 sinh viên, Giáo dục Mầm non 149 sinh viên.

Một thực tế là, các ngành sư phạm như: Toán, Sinh, Sử, Ngoại ngữ rất đìu hiu thí sinh nhập học, mặc dù trường chỉ lấy điểm bằng mức sàn. Trong khi đó, Sư phạm Mầm non phải thi năng khiếu thì lại thu hút nhiều thí sinh hơn hẳn. Có thể nói, Sư phạm Mầm non đang là ngành “cứu cánh” của Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên trong giai đoạn khó khăn chung này. Trong tổng số 210 chỉ tiêu sư phạm thì có 100 chỉ tiêu của trường là dành cho ngành Sư phạm Mầm non. Có nhiều lý do khiến thí sinh đăng ký vào ngành mầm non tăng: Do sự thay đổi cách nhìn của xã hội ở bậc học này, xem đây là bậc học đầu tiên, đầu đời, rất quan trọng và cần thiết; từ sự chuyển biến này, thí sinh, gia đình nhận thấy được ảnh hưởng của bậc học mầm non và tin rằng có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra còn nguyên nhân sâu xa nữa là, khi ra trường, ngành sư phạm Toán, Lịch sử, Sinh học khó tìm được việc làm, phải dạy hợp đồng hoặc làm trái ngành đào tạo...

Chúng tôi đến Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên những ngày đầu năm học, khi các tân sinh viên đang tham gia tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên đầu khóa, đầu năm học. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, có em đi học vì là nghề mình yêu quý, mong muốn trở thành giáo viên được đứng trên bục giảng; có em đi học vì gia đình bắt theo học ngành sư phạm; em thì cứ theo học đã ra trường rồi tính tiếp... Em Lò Thị Dương, tân sinh viên K20 - M1, Khoa Tiểu học Mầm non, chia sẻ: Em đã suy nghĩ rất kỹ và tham khảo ý kiến của gia đình, anh chị khóa trước rồi mới nộp hồ sơ đăng ký thi tuyển. Em thấy, các ngành cao đẳng sư phạm Văn, Toán, Sử... ra trường rất khó xin việc, đại học còn thừa nữa là. Em học mầm non, chịu khó đi vùng sâu, vùng xa vẫn xin được việc, nếu không xin được vào trường công lập cũng có thể đi làm hợp đồng ở trường tư thục cũng tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân...

Là nơi đào tạo những “kỹ sư tâm hồn”, những người góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục; nhiệm vụ nặng nề là thế, nhưng hiện nay các ngành sư phạm không còn thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào học. Ðiểm trúng tuyển của hầu hết các ngành sư phạm đều thấp; nhiều sinh viên đã vào học cũng không thực sự tâm huyết với nghề, chưa ý thức được đúng đắn giá trị của nghề mà mình theo đuổi. Nhiều sinh viên lựa chọn vào học sư phạm sau khi không đỗ các trường hoặc ngành khác, học sư phạm chỉ là giải pháp tạm thời. Ðiều này đã chi phối đến thái độ, ý thức của người học trong quá trình học tập, rèn luyện nghề; ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, khó có thể lạc quan vào việc sẽ có một thế hệ giáo viên giỏi, tận tâm, yêu nghề... Chợt chạnh lòng khi nhớ lại câu nói từ lâu đã không còn mấy ai nhắc lại: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Tuyển sinh ngành sư phạm đã ảm đạm, cao đẳng sư phạm còn ảm đạm hơn; dẫu vậy, vẫn hy vọng, tình trạng đó chỉ là tạm thời và rồi không lâu nữa những sinh viên sư phạm dù ở cấp học nào cũng bước vào trường với niềm vui, say mê, tâm huyết thật sự vì tương lai với “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top