Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Nậm Pồ

Gỡ khó để thành công

09:40 - Thứ Năm, 28/09/2017 Lượt xem: 5509 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ có 45 trường học ở cả 3 cấp (mầm non, tiểu học, THCS mỗi cấp 15 trường) với 849 lớp, 18.230 học sinh. Mặc dù, những năm qua ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện nỗ lực để có 18 trường đạt chuẩn (trên 40%), song công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn còn nhiều cái khó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, góp sức của nhân dân.

 

Giờ học của cô trò Trường Mầm non Nà Hỳ.

Nằm nép mình dưới những tán rừng xanh mướt, bản Huổi Cơ Dạo (xã Nà Hỳ), Trường Mầm non Nà Hỳ được ví như “cái nôi” chắp cánh ước mơ cho con em đồng bào người Dao, người Thái nơi đây. Theo lộ trình, trường phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2017 - 2018. Sau khi dẫn chúng tôi “mục sở thị” quanh khuôn viên trường, trở về căn phòng nhỏ ấm áp, cô giáo Vi Thị Luân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về những lo âu, khi dự kiến vào tháng 12/2017 sẽ tiến hành việc thẩm định trường chuẩn quốc gia. Cô Luân, cho biết: Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ I, trường đã vướng phải rất nhiều khó khăn từ hệ thống cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy đến chất lượng đội ngũ giáo viên... Nhưng cái khó nhất chính là việc thay đổi nhận thức, tư duy của cha mẹ học sinh. Triển khai đề án xây dựng trường chuẩn với “kim chỉ nam” là tạo môi trường học tập chuyên nghiệp, đáp ứng căn bản đổi mới của giáo dục; trên cơ sở chỉ đạo của ngành và những đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Ðảng và Nhà nước, đến nay cơ bản nhà trường đã được đầu tư hệ thống lớp học khang trang, sạch đẹp với 28 phòng học (kiên cố 18, bán kiên cố 4 lớp), trang thiết bị giảng dạy, đồ dùng, đồ chơi được đầu tư đồng bộ; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 97%. Ðặc biệt, ngoài sự nỗ lực bám trường, bám lớp, 44 cán bộ giáo viên nhà trường đã tích cực rèn luyện, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn (hiện trường có 20 giáo viên trình độ đại học; 7 giáo viên cao đẳng). Tuy nhiên, trước “ngưỡng cửa” của việc đạt chuẩn, nhà trường cũng đang đối diện với những thách thức cần được tháo gỡ, như: Ban Giám hiệu nhà trường vẫn đang quản lý, điều hành trường mầm non trên địa bàn 2 xã (Nà Hỳ, Nặm Chua); một số điểm trường ở các bản vùng sâu vẫn gặp nhiều khó khăn; hệ thống đồ dùng, đồ chơi ngoài trời thiếu...

Bên cạnh đó việc duy trì và nâng chuẩn đối với các trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ cũng gặp rất nhiều cái khó. Ðến thăm trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tân Phong (xã Si Pa Phìn), chúng tôi mới thấy hết được những nỗ lực không nhỏ của thầy và trò nhà trường trong việc duy trì trường chuẩn. Thầy Phan Khắc Tập, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I/ năm 2009, công nhận lại vào năm 2017. Nhưng hiện nay, do cơ sở hạ tầng được xây dựng từ năm 2002 nên một số hạng mục đã xuống cấp; nguồn ngân sách vẫn chủ yếu là do Nhà nước; đời sống kinh tế của người dân còn nghèo nên việc huy động xã hội hóa là rất khó.

Vượt qua những khó khăn của những ngày đầu thành lập, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là phấn đấu ngày càng có thêm nhiều trường hơn nữa đạt chuẩn quốc gia. Thầy Nguyễn Văn Tiếp, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: Nậm Pồ là huyện mới chia tách thành lập, tuy các trường đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ phòng học tạm cao; hầu hết các trường thiếu phòng học chức năng; trường mầm non, tiểu học có nhiều lớp ghép, điểm bản xa, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Do đó để đạt mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia theo lộ trình, thời gian tới huyện vẫn cần rất nhiều nguồn lực đầu tư.

Bước vào năm học 2017 - 2018, Phòng phấn đấu tiếp tục xây dựng thêm 4 trường đạt chuẩn (1 trường THCS; 2 trường tiểu học, 1 trường mầm non). Trước việc tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn ngày càng chặt chẽ, cũng để “gỡ khó” cho các trường trọng điểm, ngành giáo dục Nậm Pồ đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; chuẩn hóa tổ chức và quản lý trường học và giáo viên nhằm tạo môi trường giáo dục đồng đều giữa các vùng miền. Ðặc biệt, tuyên truyền tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp; ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của nhà trường - gia đình - xã hội để xây dựng trường chuẩn quốc gia...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top