Hết lòng vì học sinh khuyết tật

09:32 - Thứ Hai, 02/10/2017 Lượt xem: 7463 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, số học sinh khuyết tật (HSKT) được huy động ra lớp trên địa bàn huyện Mường Nhé ngày càng tăng nhờ chế độ, chính sách hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật của Nhà nước. Ðồng thời, với sự động viên, quan tâm của thầy, cô giáo, các em dễ dàng hòa nhập, không xảy ra tình trạng kì thị, phân biệt đối xử trong trường, lớp, giúp các em tự tin hơn và đặc biệt là thích đi học, tiếp thu tri thức.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 có nhiều HSKT nhất huyện Mường Nhé. Năm học 2016 - 2017, toàn trường có 13 HSKT, đến năm học 2017 - 2018, HSKT tăng lên 26 em (trong đó có 24 học sinh thuộc diện hộ nghèo), vì nhà trường huy động được tối đa trẻ em khuyết tật ra lớp và hướng dẫn cho các gia đình có HSKT đang theo học tại trường đưa con đi thăm khám, xác nhận tại trung tâm y tế. Các em không may mắn bị nhiều dạng khuyết tật khác nhau, như: khuyết tật vận động, câm, rối loạn phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ… Trên đường vào thăm lớp 3C, điểm trường trung tâm, chúng tôi được cô hiệu trưởng cho biết lớp có học sinh Giàng A Chự bị khuyết tật 2 chi dưới, chân chữ o. Khi chúng tôi đến là giờ ra chơi, Chự đang cùng các bạn vui chơi tại sân trường. Dáng người thấp bé nhất lớp, chân, tay không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác nhưng Chự vẫn luôn được bạn bè quý mến, giúp đỡ và đối xử bình đẳng. Chúng tôi hỏi chuyện Chự, em trả lời vui vẻ và nhanh nhẹn. Ðiều em nhắc lại nhiều nhất là “Em rất thích đến trường, học chữ và vui đùa cùng các bạn”.

 

Em Giàng A Chự (ở giữa) vui chơi cùng bạn bè.

Kém may mắn hơn Chự, em Lý A Công, lớp 5D bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh. Mặc dù em gặp khó khăn trong việc tiếp thu tri thức nhưng vẫn được giáo viên nhà trường vận động ra lớp nhằm giúp em bớt mặc cảm và bạo dạn hơn. Nhà Công cách trường khoảng 10km nên em ở bán trú, cuối tuần mới về nhà. Trong cuộc sống thường ngày, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên trực bán trú luôn quan tâm đặc biệt đến Công. Ngoài ra, bạn thân của Công là Thào A Chinh, cùng bản, cùng lớp được phân ở cùng phòng để giúp em trong sinh hoạt cá nhân. Cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Khi đến trường, các em HSKT luôn được quan tâm sát sao, thầy cô dốc lòng giúp đỡ trong học tập và cuộc sống. Ngoài ra, nhà trường tạo điều kiện cho HSKT ở bán trú cùng các bạn cùng bản, cùng lớp; phân công 1 bạn chơi thân giúp đỡ đặc biệt cho em. Nhờ vậy, trường chưa từng xảy ra tình trạng HSKT bị bạn bè phân biệt đối xử, kì thị. 

Không chỉ Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 mà huyện Mường Nhé hiện có 111 HSKT, tăng 20 học sinh so với học kỳ II và 39 học sinh so với học kỳ I năm học trước. Huyện không có trường chuyên biệt cho HSKT nên trước đây vì mặc cảm, nhiều gia đình không cho con em đến trường mà ở nhà phụ giúp bố mẹ. Nhờ chính sách động viên, hỗ trợ của Nhà nước và tin tưởng vào sự tận tình của đội ngũ giáo viên, số trẻ khuyết tật ra lớp ngày càng cao. Tuy nhiên vì chưa được đào tạo bài bản về giáo dục HSKT nên thầy cô dù soạn giáo án riêng cho HSKT nhưng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và tình yêu trẻ của bản thân. Các em khuyết tật nặng, gặp khó khăn trong học tập sẽ không đánh giá xếp loại mà chỉ mang tính chất học hòa nhập, tiếp thu kiến thức cơ bản. Ðối với các em khuyết tật nhẹ vẫn kiểm tra, xếp loại học lực như học sinh khác. Thầy Phan Văn Uyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé, cho biết: Các em HSKT được huy động ra lớp tối đa, đặc biệt có nhiều trường hợp khuyết tật nặng, bị bại liệt vẫn hào hứng đến trường bằng xe lăn. Mặc dù không có chế độ riêng cho giáo viên giảng dạy, chăm sóc HSKT nhưng thầy cô vẫn luôn yêu thương, hết lòng chăm lo cho các em. Việc đi học giúp các em được tiếp cận tri thức và đặc biệt là bớt mặc cảm, trở nên vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top