Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học

Phải có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội

09:35 - Thứ Năm, 26/10/2017 Lượt xem: 4606 In bài viết
ĐBP - Nhận thức rõ mối nguy hại từ hút thuốc lá nên từ lâu việc nghiêm cấm học sinh, sinh viên hút thuốc được ngành Giáo dục và Ðào tạo đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện thông qua nhiều hoạt động. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều học sinh chưa hiểu hết hoặc cố tình lơ đi những tác hại của nó đối với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Trên thực tế, hiện nay việc hút thuốc lá trong học sinh, sinh viên rất khó kiểm soát và đang có xu hướng gia tăng.

Hiện tượng học sinh, sinh viên hút thuốc lá thời gian qua không phải là hiếm, thậm chí có em mới học lớp 6, lớp 7 cũng bắt đầu làm quen với khói thuốc. Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng tăng một phần do môi trường sống. Ðối tượng thường thì bị bạn bè lôi kéo, có tâm lý thể hiện bản thân, điều kiện gia đình... Với suy nghĩ hút vài điếu sẽ không bị nghiện nhưng dần trở thành thói quen khó bỏ. Cùng với đó, do thuốc lá là mặt hàng khó quản lý và được bày bán công khai nên học sinh có thể mua dễ dàng. Tại các cổng trường, nhiều cơ sở bán lẻ thuốc lá vì lợi nhuận họ sẵn sàng bán cho người dưới 18 tuổi, hoặc sợ mất khách, phiền phức nên không hỏi chứng minh thư của người mua. Mặc dù, theo Ðiều 32, Nghị định 185/2013/NÐ-CP của Chính phủ về phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; tuy nhiên việc phát hiện, xử phạt những trường hợp vi phạm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi đang gặp nhiều khó khăn đối với các cơ quan chức năng.

Tại TP. Ðiện Biên Phủ, không khó để thấy được thanh, thiếu niên tụ tập tại quán nước vỉa hè, quán cà phê, quán nhậu... chuyền tay nhau phì phèo điếu thuốc. Do nhận thức lệch lạc, nhiều học sinh còn coi việc làm đó là một sự sành điệu, thể hiện nam tính của lứa tuổi thanh, thiếu niên. Lúc đầu có em chưa biết hút, nhưng qua bạn bè mời mọc, khích bác nên muốn thử, rồi dần thành quen.

Em Quàng Văn Cường, sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh, chia sẻ: “Em hút thuốc từ thời học THPT. Khi ấy, thấy người lớn và bạn cùng lớp hút em đã thử; ban đầu thấy bình thường, nhưng sau thời gian dài nó như một thói quen rất khó bỏ. Nếu mỗi ngày mà không có thuốc lá để hút em thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, gần đây, thấy sức khỏe bắt đầu giảm sút nên em đang trong quá trình bỏ dần bằng cách mỗi ngày chỉ hút một đến hai điếu”.

 Ðể ngăn chặn tình trạng hút thuốc trong học sinh sinh viên, nhiều trường đã có những cách làm hay và bước đầu mang lại hiệu quả. Như Trường THPT TP. Ðiện Biên Phủ. Trước đây tình trạng học sinh hút thuốc vẫn xảy ra. Ðể ngăn chặn tình trạng trên, cùng với lồng ghép tuyên truyền giáo dục học sinh qua các giờ học chính khóa, ngoại khóa, trường còn tổ chức cho giáo viên, học sinh ký cam kết thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Thông qua hệ thống camera và hòm thư góp ý, khi phát hiện người hút thuốc, Ban Giám hiệu kiên quyết xử lý tùy theo mức độ vi phạm, tái phạm. Thầy Phạm Quốc Cường, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngay đầu năm học, trường đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến giáo duc pháp luật. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể, như: Công đoàn, đoàn thanh niên, ban đại diện cha mẹ học sinh. Ðến nay, 100% giáo viên, học sinh nhà trường không hút thuốc trong trường học.

Ðể ngăn chặn tình trạng hút thuốc ở môi trường học đường phải có sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền các nhà trường, tổ chức đoàn thể cần phải có những hoạt động thiết thực, như: Tổ chức trò chơi, các cuộc thi tìm hiểu về hút thuốc lá và những tác hại của khói thuốc... Ðồng thời, sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong việc quản lý, nhắc nhở, không để học sinh có cơ hội, điều kiện tiếp xúc với khói thuốc cũng rất quan trọng...

Quang Long
Bình luận
Back To Top