Mường Lay duy trì truyền dạy chữ Thái

09:40 - Thứ Năm, 26/10/2017 Lượt xem: 5430 In bài viết
ĐBP - Người Thái trắng chiếm trên 70% dân số ở TX. Mường Lay. Tuy nhiên hiện nay, còn rất ít người biết chữ Thái và chỉ sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao tiếp hàng ngày. Nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái Mường Lay, nhiều năm trở lại đây, các trường tiểu học trên địa bàn đã triển khai dạy chữ Thái cho học sinh dân tộc Thái.

Triển khai thực hiện Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) thị xã đã đưa chữ Thái vào giảng dạy tại các trường tiểu học có học sinh dân tộc Thái từ năm 2012. Ðến nay, chương trình dạy và học chữ Thái đã được triển khai tại 2 trường: Trường Tiểu học bản Mo và Trường Tiểu học Lay Nưa. Chương trình dạy học theo sách giáo khoa dân tộc thiểu số do Bộ GD&ÐT ban hành trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tế, Phòng GD&ÐT thị xã cũng đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dạy chữ Thái.

Vào thứ 5 hàng tuần, tại lớp học chữ Thái ở Trường Tiểu học bản Mo, xã Lay Nưa, từng nét chữ được các em nắn nót, các thầy cô giáo tập trung giảng bài, luyện chữ. Theo cô giáo Khoàng Thị Hải, giáo viên dạy chữ Thái Trường Tiểu học bản Mo thì những lớp học này là dạy chữ viết dân tộc Thái chứ không phải dạy tiếng. Bản thân tiếng Thái vốn là tiếng mẹ đẻ của các em học sinh ở đây, vì thế học sinh tiếp xúc với chữ viết rất nhanh và có sự tiến bộ rõ rệt.

Thầy Phạm Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bản Mo, xã Lay Nưa cho biết: Tiền thân của Trường Tiểu học Bản Mo là Trường Tiểu học Lay Nưa. Từ năm 2012, theo chủ trương của Bộ GD&ÐT, Trường đã mở lớp dạy chữ Thái, cho các em học sinh các khối 3, 4, 5; mỗi tuần 4 tiết theo chương trình của Bộ GD&ÐT. Ðến tháng 6/2016, Trường Tiểu học bản Mo chia tách, nhưng việc dạy chữ Thái vẫn được duy trì đều đặn... Hiện nay, nhằm đảm bảo chất lượng dạy chữ Thái cho các em học sinh, 100% thầy cô giáo dạy tiếng Thái của Trường đã có chứng chỉ tiếng Thái do Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đào tạo.

Ðiều mà thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa lấy làm hạnh phúc là mỗi lần lên lớp được chứng kiến niềm vui, sự háo hức của các em học sinh. Chính sự đam mê, thích thú với việc học chữ viết dân tộc mình của các em đã trở thành động lực để các thầy cô thêm yêu nghề và gắn bó với mảnh đất này. Việc dạy chữ Thái cho con em đồng bào dân tộc ở các trường tiểu học trên địa bàn đã hỗ trợ rất lớn cho giáo viên và học sinh trong việc dạy và học văn hóa.

Không chỉ đẩy mạnh việc dạy và học chữ Thái cho học sinh trong nhà trường, mới đây phường Na Lay, thị xã Mường Lay đã khảo sát, lấy ý kiến và cho người dân đăng ký học chữ Thái cổ. Bằng nguồn kinh phí hoạt động được cấp hàng năm, Trung tâm Học tập cộng đồng phường Na Lay mở liên tiếp 2 lớp dạy chữ Thái cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Các lớp học này được tổ chức tại Nhà văn hóa bản vào các buổi tối hoặc những lúc nông nhàn. Việc học chữ Thái đã giúp người dân hiểu thêm về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mình, đồng thời góp phần khôi phục, bảo tồn chữ viết và tiếng nói dân tộc Thái không để mai một thất truyền.

Người Thái trắng nơi ngã ba sông có nền văn hóa khá phát triển, gồm phong tục tập quán, văn hóa - văn nghệ, đời sống tâm linh. Trong đó, tiếng nói và chữ viết giữ vai trò quan trọng, ngoài chức năng giao tiếp còn có tác dụng lưu giữ tri thức của cộng đồng. Vì thế, bảo tồn, truyền dạy và phổ biến tiếng Thái, chữ Thái là việc làm hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với cộng đồng người Thái trắng Mường Lay mà còn góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thùy Linh
Bình luận
Back To Top