Tinh giản biên chế giáo dục không thể lấy bằng cấp là tiêu chí chính

16:16 - Thứ Tư, 01/11/2017 Lượt xem: 4857 In bài viết
Giải pháp tinh giản biên chế không thể lấy bằng cấp là tiêu chí chính mà phải lấy năng lực, kết quả thực thi công vụ làm tiêu chí chính.

Đó là ý kiến đóng góp vào việc tinh giản biên chế của hai ngành giáo dục và y tế, tại phiên họp Quốc hội chiều 30/10, đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, giải pháp tinh giản biên chế không thể lấy bằng cấp là tiêu chí chính.

 

Đoàn đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu.

Đi từ phân tích các đơn vị sự nghiệp của hai ngành giáo dục đào tạo và y tế, chiếm đến 82% tổng số đơn vị, gần 80% số viên chức và người lao động trong sự nghiệp công lập.

Điều đó cho thấy, để đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân hai ngành đều phải quy định định mức, số học sinh, sinh viên trên một giáo viên, giảng viên ở mỗi cấp học đào tạo. Khi nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thì định mức số học sinh, sinh viên trên một giáo viên, giảng viên ngày càng giảm.

Trong ngành y tế, có chỉ tiêu số bác sỹ/1 vạn dân. Hàng năm, số học sinh, sinh viên dân số tăng lên với tốc độ khoảng 2%/năm, chỉ giữ nguyên định mức giáo dục đào tạo và y tế thì số viên chức 2 ngành đã phải tăng lên tương ứng với số học sinh, sinh viên và dân số.

Số liệu trong Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện rõ điều này. Nêu một vấn đề cụ thể hơn là nghị quyết qua các kỳ Đại hội Đảng về đảm bảo an sinh xã hội, ở đây liên quan đến ngành y tế, chỉ tiêu số bác sỹ/1vạn dân trước đây là 6 - 8 bác sỹ/1 vạn dân. Đến Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội hàng năm tăng số giường bệnh, tăng 9 - 10/bác sỹ/1 vạn dân.

Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 12, hết năm 2016, số nhân viên toàn ngành có trên 40 vạn, trong đó số bác sỹ gần 80.000, so với 92 triệu dân thì chỉ tiêu trên mới đạt khoảng 8 bác sỹ /1 vạn dân.

Nếu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng 12 thì số lượng bác sỹ phải tăng và đi liền với cơ cấu bác sỹ với số nhân viên y tế thì số viên chức y tế phải tăng chứ không thể giảm. Như vậy, giải pháp chính đối với các đơn vị sự nghiệp là đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính để giảm đối tượng nhà nước cấp kinh phí hoạt động, trong đó có tiền lương, chứ không phải tinh giản biên chế theo giải pháp của khu vực quản lý nhà nước.

Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt, chất lượng cán bộ, công chức theo bằng cấp hay theo năng lực công vụ quyết định số lượng biên chế cần tinh giản. Theo Báo cáo của Chính phủ, trong tổng số 290.280 cán bộ công chức hành chính nhà nước, không rõ có bao gồm cả nhân viên thừa hành phục vụ hay không, nhưng gần 86% có bằng cấp từ Đại học trở lên, 56 - 57% đang được xếp ngạch từ chuyên viên đến chuyên viên cao cấp. Với chất lượng đào tạo và cách xếp nâng ngạch, bậc lương của chúng ta, số liệu thống kê không phản ánh được chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt nêu quan điểm, giải pháp tinh giản biên chế không thể lấy bằng cấp là tiêu chí chính mà phải lấy năng lực, kết quả thực thi công vụ làm tiêu chí chính. Nhưng khi tiếp nhận, tuyển dụng công chức phải căn cứ vào chuyên môn đào tạo. Đây cũng là điều kiện cần mà điều kiện đủ khi bố trí sắp xếp cán bộ phải căn cứ vào năng lực thực tiễn và khả năng đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ theo vị trí việc làm.

Theo phản ánh ở 1 số báo cáo, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm thì có tới 30 - 40% cán bộ, công chức không bảo đảm yêu cầu vị trí việc làm, trong khi các cơ quan vẫn hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. ­­­­­­­­­Nếu tỷ lệ này đúng, xác thực thì giải pháp tinh giản 20% - 30% biên chế cán bộ, công chức là hoàn toàn có cơ sở và vấn đề còn lại là quyết tâm thực hiện của Chính phủ./.

P.V (Theo VOV)
Bình luận
Back To Top