Hiệu quả từ những mô hình vườn rau học trò

15:11 - Thứ Năm, 02/11/2017 Lượt xem: 6169 In bài viết

ĐBP - Không chỉ truyền đạt cho các em kiến thức, các thầy cô giáo ở những trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, trung học trên địa bàn huyện Điện Biên còn hướng dẫn và cùng học sinh trồng rau, tăng gia sản xuất sau mỗi giờ lên lớp. Ngoài việc cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú, việc làm này còn mang ý nghĩa rèn kỹ năng sống qua lao động, sáng tạo, giáo dục các em biết giá trị sức lao động, tạo môi trường tập thể vui tươi, lành mạnh, đoàn kết.

Cũng như mọi buổi chiều khác, khi vừa kết thúc tiết học cuối cùng trong ngày, 142 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Mường Nhà (huyện Điện Biên) lại ùa ra vườn trường để trồng, chăm sóc rau xanh. Nhìn các em vừa làm vừa trò chuyện, cười đùa vui vẻ mà vẫn hoàn thành tốt phần việc được giao, không để thầy cô phải nhắc nhở; dường như mỗi học sinh nơi đây đều được rèn luyện tính tự lập và hiểu được ý nghĩa công việc của mình. Các em được phân công những việc làm phù hợp với độ tuổi, như: Học sinh lớp 1, 2, 3 thì được các anh chị lớp lớn hướng dẫn cách bắt sâu, nhổ cỏ…; các anh chị lớp 4, 5 thì vun xới, xách nước, tưới rau, mỗi người đều chủ động công việc một cách nhịp nhàng. Nhà trường ra chỉ tiêu mỗi lớp bán ít nhất 15kg rau/tháng cho bếp ăn của trường, nhưng các lớp đều thi đua chăm sóc rau tốt, thu hoạch được từ 25 - 30kg rau/tháng. Với diện tích trên 300m2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Mường Nhà hầu như không phải nhập rau ngoài thị trường. Ngoài ra, nhà trường còn tận dụng thức ăn dư thừa của  nhà bếp nuôi thêm lợn thịt. Nhìn đàn lợn 12 con béo níu ních, khoảng 55- 60kg mỗi con, không thể ngờ đó lại chính là thành quả lao động của thầy trò nhà trường. Số lợn thịt này được cung cấp cho nhà bếp của trường để cải thiện bữa ăn cho học sinh vào mỗi dịp đặc biệt như ngày lễ, tết. Đối với số tiền thu được từ bán rau cho nhà bếp của trường, các lớp giữ làm quỹ để mua sắm đồ dùng chung, thăm hỏi bạn bè lúc ốm đau, hỗ trợ bạn nghèo thiếu đồ dùng học tập, liên hoan, tổ chức sinh nhật cho các bạn trong lớp. “Để ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, nhà trường đã tuyên dương, khuyến khích những tập thể và cá nhân làm tốt công việc lao động, học tập vào tiết chào cờ thứ hai hàng tuần. Qua đó, để các em thấy rằng, học tập, lao động là vinh quang” – cô giáo Nguyễn Thị Mơ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Mường Nhà chia sẻ.

 

Ngoài giờ lên lớp, thầy cô và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Mường Nhà lại chăm sóc vườn rau.

Không có nhiều quỹ đất như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Mường Nhà, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Na Ư, xã Na Ư (huyện Điện Biên) sử dụng quỹ đất nhỏ hẹp quanh tường bao và trồng chủ yếu các loại củ, quả, như: su hào, su su, bí xanh, bí đỏ… và chăn nuôi gà thịt. Chỉ tay về phía đàn gà trên 200 con đang ở độ xuất chuồng, thầy Nguyễn Ngọc Quang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngoài việc trồng các loại rau, củ, quả cho phù hợp với khẩu vị học sinh, trường còn nuôi mỗi năm 3 lứa gà thịt, mỗi lứa trên 200 con; số gà thịt được cung cấp trực tiếp cho nhà bếp của trường để cải thiện bữa ăn cho học sinh trước tình trạng giá cả leo thang, đắt đỏ; việc tăng gia này chủ yếu là các thầy cô hướng dẫn và cùng học sinh làm, với mục đích giáo dục kỹ năng sống cho các em, cũng là để tránh việc học sinh nội trú chơi những trò chơi vô bổ trong thời gian ngoài giờ lên lớp; tạo khí thế vui tươi, thêm yêu trường lớp, học tập chăm chỉ, gắn kết tình thầy trò. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường đạt trên 98%”.  

Vừa bê rổ rau cho gà ăn, em Lý A Chư, lớp 4A1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Na Ư bộc bạch: “Em thích đi học ở nội trú, vì ngoài giờ học em được các thầy cô hướng dẫn trồng rau, nuôi gà sạch và được ăn chính sản phẩm mình làm ra. Chúng em rất vui và yên tâm học tập, không còn muốn bỏ học về nhà như trước nữa”.

Theo bà Đặng Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên, không chỉ có 2 trường trên, mà cả 29 trường có học sinh nội trú (cấp tiểu học, trung học cơ sở) trên địa bàn huyện Điện Biên đều có vườn rau xanh; thậm chí cả tăng gia gà, lợn, do các em học sinh trực tiếp tham gia, dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn kỹ thật, sinh học.

Nếu như trước đây, những khoảnh đất trống bỏ không sau lớp học, nhà nội trú hay ven sân trường chỉ là cỏ dại, thì giờ đây là những luống rau xanh mơn mởn, tạo không gian thân thiện. Nhiều trường có diện tích đất rộng, đủ cung cấp rau cho bữa ăn hàng ngày của học sinh trong cả năm học, như: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Nhà, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Núa Ngam… Nhờ vậy, không những đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, mà còn thu hút ngày càng nhiều trẻ đến trường bởi các hoạt động ý nghĩa, lạ lẫm đối với học sinh vùng sâu, xa, như: Tổ chức sinh nhật, tặng quà, liên hoan bánh kẹo những dịp đặc biệt… bằng số tiền do chính các em chăm chỉ lao động mà có. Từ đó học sinh càng thêm hứng thú với việc học tập và yêu lao động chân chính, tạo môi trường gần gũi, gắn kết bạn bè, sống có trách nhiệm, kỷ luật hơn.

Được biết, từ hiệu quả của những mô hình vườn rau học trò, các bậc phụ huynh học sinh rất yên tâm khi thấy bữa ăn của con em mình được cải thiện, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời phấn khởi khi thấy các em trở nên hoạt bát, bạo dạn và chăm chỉ hơn. Mong rằng, các mô hình trồng rau, tăng gia sản xuất này ngày càng được nhân rộng, để các em được sống, học tập trong không gian xanh, thân thiện và có những bữa ăn ngon, sạch, đảm bảo sức khỏe, yên tâm học tập.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top