Ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên

35 năm - những thành tựu nổi bật

09:36 - Thứ Sáu, 17/11/2017 Lượt xem: 4783 In bài viết
ĐBP - Ngược dòng thời gian về 35 năm trước, quy mô giáo dục cả tỉnh nói chung và huyện Ðiện Biên nói riêng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Xác định rõ vai trò và sứ mệnh của mình, 35 năm qua, cán bộ, giáo viên các thế hệ trong ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Ðiện Biên không ngừng nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực xã hội, tập trung phát triển, mở rộng quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng, cũng như của tỉnh nhà nói chung.

 

Bữa ăn của học sinh Trường THCS Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng.

Thành tựu nổi bật trong 35 năm qua của ngành GD&ÐT huyện Ðiện Biên là chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Ðây được coi là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành GD&ÐT nhằm chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, đồ dùng và trang thiết bị, đồng thời chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện mục tiêu “đổi mới căn bản toàn diện GD&ÐT”. Ðể đẩy nhanh chương trình, ngành GD&ÐT huyện đưa ra các giải pháp sát sao và quyết liệt, đó là: tập trung cao độ, ưu tiên các nguồn lực lồng ghép một số chương trình đầu tư của Nhà nước với việc thu hút sự giúp đỡ và hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, vận động sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác GD&ÐT. Bước đầu, xây dựng trường điểm, từ đó nhân ra diện rộng, đưa công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trở thành phong trào, đồng thời là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Giai đoạn 2001- 2010, huyện Ðiện Biên đã xây dựng được 43/77 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 55,85%), là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn này. Phát huy thành tích đã đạt được, bước sang giai đoạn 2010 - 2015, huyện tiếp tục là đơn vị dẫn đầu các huyện trong tỉnh với 76/93 trường đạt chuẩn (đạt 81,2%). Các trường đã đạt chuẩn sau 5 năm đều giữ vững và được công nhận lại, trong đó có 12 trường được công nhận đạt chuẩn mức độ II. Ðến tháng 8/2017, huyện Ðiện Biên đã nâng số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia lên 84/99 trường (gồm 38 trường mầm non, 35 trường tiểu học, 17 trường THCS và 1 trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS).

Song hành với sự phát triển về xây dựng trường chuẩn, trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được nâng cao. Trong chiến lược phát triển GD&ÐT của huyện Ðiện Biên, Ðảng bộ huyện đã đề ra các chương trình cho ngành giáo dục, trong đó, chương trình phát triển nguồn nhân lực ở vị trí trọng tâm với mục tiêu: phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện nguồn nhân lực, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; lấy công tác phát triển nguồn nhân lực nhằm đổi mới toàn diện hoạt động của nhà trường. Theo đó, từ chỗ chỉ có gần 1.000 giáo viên (năm 1982) và rất ít giáo viên có trình độ đại học, đến nay số giáo viên và cán bộ quản lý của ngành GD&ÐT trong huyện đã có 2.478 người. Ðội ngũ cán bộ, giáo viên của huyện không ngừng được nâng cao về trình độ chính trị, trình độ quản lý và năng lực chuyên môn, hầu hết đều có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc. Toàn huyện hiện có 44,6% số cán bộ quản lý là Ðảng viên, 166 cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (chiếm 74,8%); 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, trong đó 88,6% đạt trình độ đào tạo trên chuẩn, 3 cán bộ quản lý trình độ thạc sĩ, 6 cán bộ quản lý đang được đào tạo sau đại học. Ðây là yếu tố căn bản, là nền tảng đảm bảo sự phát triển vững chắc cho ngành GD&ÐT của huyện.

Nhắc đến thành tựu về GD&ÐT của huyện, không thể không nhắc đến công tác xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Mô hình trường bán trú đã có ở huyện Ðiện Biên từ những năm 2000. Ðầu tiên chỉ là những lều lán do phụ huynh ở các bản xa dựng trên các khu đất ở gần trường để con em mình có chỗ ăn, nghỉ, mọi chi phí ăn, ở đều do gia đình học sinh tự túc. Giai đoạn 2000 - 2008, mỗi trường vùng ngoài huyện Ðiện Biên có từ 10 - 20 lán trọ học với số lượng học sinh chiếm khoảng 30 - 35%. Ðây chính là tiền thân của các trường PTDTBT hiện nay. Sau Quyết định 85/2010/QÐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT và các thông tư hướng dẫn, quyết định của các cấp, các ngành liên quan, hệ thống trường PTDTBT và học sinh bán trú đã được hình thành, phát triển mở ra nhiều thuận lợi đối với sự nghiệp giáo dục ở huyện Ðiện Biên. Ngay từ những ngày đầu thành lập trường PTDTBT, Phòng GD&ÐT huyện xác định: để phát huy hiệu quả cần tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú theo định hướng “3 tập trung” gồm: ăn, ở và quản lý tập trung. Sau 7 năm triển khai thực hiện, chất lượng giáo dục toàn diện tại các trường PTDTBT, trường có học sinh nội trú của huyện đã được nâng lên rõ rệt. Toàn huyện hiện có 13 trường PTDTBT, 16 trường có học sinh bán trú, 179 phòng ở nội trú cho học sinh, trong đó, trên 37,4% là kiên cố, bán kiên cố; 41,9% trường có đủ cơ sở vật chất cho học sinh như: nhà ở, bếp, nhà vệ sinh, công trình nước sinh hoạt và đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt kèm theo… Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt trên 98%; tỷ lệ bỏ học dưới 1%, đặc biệt tỷ lệ học sinh nữ người dân tộc thiểu số theo học tăng lên rõ rệt. Số lượng trường PTDTBT đạt chuẩn quốc gia là 11/13 trường (chiếm tỷ lệ 84,6%). Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường DTNT huyện, tỉnh, các trường THPT chất lượng cao và các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp ngày càng tăng. Ðiều này góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo vững chắc các chỉ số theo quy định của trường đạt chuẩn quốc gia, các tiêu chí về phổ cập giáo dục trong toàn huyện.

Phát huy những kết quả đạt được, tin rằng, năm học 2017 - 2018 và những năm tiếp theo, ngành GD&ÐT huyện Ðiện Biên sẽ tiếp tục vươn lên gặt hái những thành quả mới, huy động tốt mọi nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT. Các thế hệ thầy, cô giáo, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống nêu cao tinh thần tự học, tự sáng tạo, nỗ lực vượt khó chung tay góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện cũng như của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Ðức Cường (Trưởng phòng GD&ÐT huyện Ðiện Biên)
Bình luận
Back To Top