Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017)

Những “chuyến đò” chở nặng yêu thương

09:36 - Thứ Hai, 20/11/2017 Lượt xem: 7779 In bài viết
ĐBP - Mặc dù trải qua nhiều khó khăn thiếu thốn trăm bề; nhưng các thế hệ cán bộ, giáo viên tỉnh Ðiện Biên đã bằng tình yêu tha thiết với nghề, với học trò vùng cao mà lặng thầm cống hiến, lặng thầm hy sinh... Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), là dịp mà cả xã hội trân trọng tôn vinh, tri ân công lao cao cả của các nhà giáo. “Bài ca người giáo viên nhân dân” được cất lên nhiều hơn ở khắp các trường học, bản làng và bởi nhiều thế hệ học sinh, có những người giờ cũng đang là nhà giáo...

Sáng 17/11, từ rất sớm, Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh đã rộn rã tiếng nói cười, rực rỡ cờ hoa. Trước khi vào Tọa đàm kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017) do Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD & ÐT) tổ chức, những ca khúc hay về nghề giáo đã vang lên; hội trường đông dần, “sáng” dần khi được đón các thế hệ nhà giáo, các vị đại biểu là lãnh đạo Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành... về dự. Với chủ đề “Ký ức, đam mê và khát vọng” các đại biểu đã giao lưu với các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh tiêu biểu của tỉnh; ôn lại truyền thống, chặng đường xây dựng và trưởng thành của ngành GD & ÐT tỉnh Lai Châu trước đây và Ðiện Biên ngày nay. Những giao lưu, chia sẻ đó như thước phim quay chậm về chặng đường gian nan gieo chữ trồng người của những người giáo viên. Chặng đường ấy không chỉ có mồ hôi công sức, mà có cả máu, nước mắt và nhiều thời thanh xuân nơi rừng sâu núi thẳm của các thế hệ “đưa đò” thầm lặng ở Ðiện Biên.  

 

Học sinh Trường THPT Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) tặng hoa thầy, cô giáo nhân ngày 20/11. Ảnh: Văn Quyết

Năm 1959, với chủ trương xây dựng vùng kinh tế khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng và của Bác Hồ, 860 giáo viên miền xuôi đã tình nguyện lên miền núi. Những nhà giáo không sợ khó, không sợ khổ, quyết tâm gắn bó với miền núi Tây Bắc, coi đó là quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như ruột thịt của mình, đem cái chữ thắp sáng các bản làng. Ðể hoàn thành nhiệm vụ được giao, các thầy cô cùng đồng bào các dân tộc dựng trường, lớp; vận động người dân cho con em đi học, để rồi những điểm “trắng” về giáo dục này trở thành nơi tỏa sáng tri thức; tuyên truyền vận động nhân dân dần xóa bỏ các hủ tục. Ngày 1/6/1963, Ty Giáo dục Lai Châu được thành lập, tạo nên bước chuyển mình cho Lai Châu. Cũng trong năm đó, Trường Sư phạm cấp I của tỉnh ra đời, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên cho tỉnh.

Những năm chiến tranh leo thang, Mỹ đánh bom miền Bắc, nhiều trường học đã bị đánh phá và phải sơ tán nhiều lần; khó khăn chồng chất, thầy trò vừa xây dựng trường vừa tổ chức dạy và học, có cả nhà giáo đã trở thành liệt sĩ khi lấy thân mình che chở cho học sinh dưới mưa bom của giặc Mỹ... Trường lớp và số lượng học sinh vẫn tăng, chất lượng ngày càng được khẳng định; nhiều học sinh thành đạt, nhiều thầy cô giáo được nhận các danh hiệu cao quý. Ðến hết năm 1970 Giáo dục Lai Châu đã phát triển khá mạnh và đã hoàn thành xóa mù chữ cho cán bộ, đảng viên, thanh niên vùng cao, nhân dân vùng thấp.

Sau khi đất nước thống nhất, hưởng ứng chiến dịch “Ánh sáng văn hóa” của Ủy ban Hành chính tỉnh, hơn 600 cán bộ, giáo viên của Lai Châu ngày ấy (nay là Ðiện Biên) tiếp tục lên đường đến với 14 xã vùng cao; trên 1.000 cán bộ, bộ đội, công an, học sinh tình nguyện lên các xã vùng cao thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân của tỉnh. Và thành quả là, chỉ trong thời gian ngắn (1977 - 1979), 36.151/47.264 người dân Lai Châu đã được xóa mù chữ; 97/153 xã, thị trấn được công nhận xóa xong nạn mù chữ. Ðó là những nỗ lực phi thường, những cống hiến không gì đong đếm được của lớp lớp nhà giáo Ðiện Biên trong chặng đường dài hiện thực hóa giấc mơ bay cao, bay xa cho các thế hệ học trò. Trải qua những năm 80 của thế kỷ XX với muôn vàn khó khăn; cùng với sự phát triển của đất nước, được Trung ương quan tâm đầu tư và sự nỗ lực quyết tâm của toàn Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc, Lai Châu đã từng bước phát triển mạnh về kinh tế - văn hóa - xã hội, đời sống của nhân dân các dân tộc ngày càng được nâng lên.

Sau khi chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh: Ðiện Biên, Lai Châu (năm 2004), Ðiện Biên có 253 trường, 5.902 lớp, 120.475 học sinh với 7.992 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hệ thống cơ sở vật chất gồm 4.355 phòng học (kiên cố chỉ chiếm 46,6%). Ðến nay sau 13 năm, phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng, tinh thần hết mình vì con em vùng cao của các thế hệ nhà giáo Ðiện Biên, sự nghiệp GD & ÐT tỉnh nhà đã đạt nhiều thành tích đáng nghi nhận. Năm học 2017-2018, toàn ngành có 526 trường với 7.438 lớp, 185.917 học sinh, sinh viên (tăng 273 trường, 1.536 lớp, 65.442 học sinh). Bằng nhiều nguồn vốn và hình thức đầu tư, hệ thống các trường, lớp phát triển mạnh theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa; toàn ngành có 9.018 phòng học (5.492 phòng kiên cố, đạt 60,9%). Khẳng định chiều sâu trong chất lượng GD & ÐT, Ðiện Biên giờ đây đã có 288 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (đạt 57%); 92/130 đơn vị hành chính cấp xã, 3/10 cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 14/130 đơn vị hành chính cấp xã, 1/10 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3... Ngành cũng có một lực lượng đông đảo với 16.496 biên chế cán bộ công chức, viên chức; trên 99% giáo viên đã được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; trong đó 7 tiến sỹ, 374 thạc sĩ, 11 giáo viên tiểu học đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia...

Có thể khẳng định, thành công trong sự nghiệp GD & ÐT tỉnh Ðiện Biên có được là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội. Nhưng trên tất cả, sự tâm huyết với nghề, sự cống hiến hy sinh thầm lặng của các thế hệ nhà giáo từ mọi miền Tổ quốc đã gắn bó với mảnh đất Ðiện Biên góp phần quan trọng làm nên điều đó. Ghi nhận những cống hiến hy sinh của các thầy, các cô và ngành GD & ÐT; Ðảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. 16 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú”, hàng trăm, hàng nghìn nhà giáo được các cấp khen thưởng trong suốt những năm qua là một minh chứng cho sự ghi nhận cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp trồng người tỉnh Ðiện Biên. Các thầy, các cô thực sự đã làm trọn sứ mệnh là những chiến sĩ văn hóa, kỹ sư tâm hồn, người “đưa đò” - con đò tri thức, ước mơ, hoài bão bay cao, bay xa cho lớp lớp thế hệ học trò vùng cao gian khó Ðiện Biên.

Sự nghiệp GD & ÐT Ðiện Biên đã có những bước tiến quan trọng; dẫu vậy, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần đến ngọn lửa nhiết huyết của  ngành GD & ÐT, mỗi cán bộ, giáo viên. Chúng ta hãy tin tưởng rằng, trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống cao quý của nghề giáo, người giáo viên nhân dân; mỗi “chuyến đò” trong tương lai sẽ đều là chuyến “đò đầy” chở những yêu thương, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò Ðiện Biên đến với chân trời tri thức...

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top