Thực hiện mô hình trường học mới VNEN

Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

09:41 - Thứ Năm, 30/11/2017 Lượt xem: 4879 In bài viết
ĐBP - Mô hình trường học mới VNEN là chương trình được Bộ Giáo dục và Ðào tạo triển khai rầm rộ trên cả nước (từ tháng 1/2013 đến hết 5/2016), mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng rất nhiều trường ở các tỉnh, thành sau một thời gian thí điểm phải kêu “cứu”, xin không tiếp tục áp dụng. Ðể có cái nhìn tổng quan và đánh giá khái quát về tính “khả thi” của mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn tỉnh, trung tuần tháng 11 vừa qua Ðoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) đã tổ chức giám sát trực tiếp tại một số các trường triển khai thí điểm mô hình; làm việc với lãnh đạo ngành Giáo dục và Ðào tạo để hiểu rõ hơn bản chất vấn đề....


Tiết học VNEN của cô, trò Trường PTDTBT Tiểu học Suối Lư, xã Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông).

Thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) là một thí điểm vận dụng mô hình trường học kiểu mới của Colombia nhằm đổi mới giáo dục phổ thông. Dự án VNEN ra đời do Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, tổ chức UNESCO tại Việt Nam là cơ quan giám sát và điều phối cùng một số đối tác phát triển giáo dục tại Việt Nam. Dự án được triển khai với tổng số vốn phê duyệt 87,6 triệu USD (gồm vốn viện trợ không hoàn lại của tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu 84,6 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 3 triệu USD). Ðối với tỉnh Ðiện Biên, việc triển khai mô hình trường học mới VNEN được thực hiện từ năm học 2013 - 2014 với 68/175 trường cấp tiểu học tham gia (38,8%), 549 lớp (15,9%), 8.757 học sinh (14,2%); đến năm học 2016 - 2017, có 154/180 trường (85,2%), 1.839 lớp, 40.757 học sinh được học theo mô hình VNEN đạt 62,5%. Bước sang năm học 2017 - 2018, mặc dù Dự án đã kết thúc, nhưng toàn tỉnh vẫn còn 10/10 huyện, thị xã, thành phố đăng ký triển khai mô hình trường học mới VNEN với tổng số 159 trường, 1.850 lớp, 42.154 học sinh (tăng 5 trường, 11 lớp, 1.397 học sinh so với cuối năm học 2016 - 2017). Toàn tỉnh có 3.435 giáo viên tham gia dạy học, 100% giáo viên dạy VNEN đạt chuẩn trình độ đào tạo; hệ thống phòng học được huy động dạy học theo mô hình trường học mới là 2.341 phòng…

Theo đánh giá của ngành Giáo dục, việc triển khai mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn tỉnh đã “thu hoạch” được rất nhiều kết quả khả quan từ phương pháp dạy học và phát triển các kỹ năng cơ bản, hình thành năng lực, phẩm chất, nâng cao giá trị giáo dục học sinh trong các hoạt động tập thể. Học sinh đã biết cách tự học, đánh giá mình, đánh giá bạn trong nhóm, lớp, chủ động và tự tin khi tham gia các hoạt động, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Việc đổi mới phương pháp giúp giáo viên ngày càng được nâng cao hơn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; giáo viên không những là người truyền đạt kiến thức mà là người tổ chức học tập, hướng dẫn, quan sát, hỗ trợ học sinh. Ðặc biệt, phương pháp dạy học mới giúp cho việc học của học sinh trở nên nhẹ nhàng, lý thú, tạo môi trường giáo dục thân thiện…

Trong chương trình giám sát tại một số huyện và các đơn vị trường học, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội đã nhận được rất nhiều ý kiến, kể cả những mặt được và những “góc khuất” trong truyền thụ kiến thức của giáo viên, việc tiếp cận phương pháp dạy học mới đối với học sinh trong quá trình triển khai mô hình VNEN, đặc biệt là ở những địa bàn khó khăn, vùng học sinh dân tộc thiểu số (Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nà Bủng, Trường Tiểu học số 2 Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ hay Trường PTDTBT Tiểu học Suối Lư, huyện Ðiện Biên Ðông). Ðó là những “lỗ hổng” về kiến thức của học sinh vùng cao học theo mô hình trường học mới VNEN. Ðiển hình, như một số học sinh lớp 4 chưa đọc thông, viết thạo ngôn ngữ Tiếng Việt; vẫn còn khoảng cách giữa học sinh khá giỏi và yếu kém; học sinh vùng cao nhiều em vẫn chưa đủ ý thức để chủ động tiếp cận kiến thức như VNEN mong muốn, nên nhiều em bị hổng kiến thức; việc trang trí lớp học chưa phù hợp, còn mang tính hình thức; việc chuẩn bị hình ảnh minh họa của giáo viên còn hạn chế… Mặc dù giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng nhưng việc tổ chức các hoạt động, truyền thụ kiến thức cho học sinh còn dập khuôn, máy móc, chưa mạnh dạn điều chỉnh nội dung, hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu học tập theo mô hình trường học mới VNEN. Ðối với địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ được xem là thuận lợi khi áp dụng mô hình VNEN, nhưng các trường cũng “vấp” phải những khó khăn nhất định, như: học sinh trong một lớp quá đông (theo quy định lớp VNEN không quá 30 học sinh/lớp), chia thành nhiều nhóm nhỏ dẫn tới giáo viên không bao quát được toàn bộ lớp học; trình độ giáo viên không đồng đều, một số giáo viên còn ngại thay đổi, chưa linh hoạt, sáng tạo khi áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới; diện tích lớp học “3 trong 1” vừa ăn, ngủ, học tập nên không đảm bảo không gian; giá sách giáo khoa theo chương trình VNEN còn quá cao...

Ông Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo bày tỏ định hướng, quan điểm về mô hình trường học mới trong thời gian tới. Ðó là ngành tiếp tục thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về mô hình trường học mới VNEN. Tiến hành khảo sát từ cơ sở về mô hình VNEN, tùy thuộc vào thực tiễn mỗi địa phương ngành sẽ có những đánh giá, báo cáo Bộ Giáo dục và Ðào tạo để một bộ phận trường học quay về giảng dạy theo phương pháp truyền thống. Quan điểm của Sở là không ép buộc mà luôn khuyến khích các địa phương tham gia. Bởi theo đánh giá, mô hình này có nhiều ưu điểm, phát huy hiệu quả cả về dạy và học đối với giáo viên và học sinh. Còn về phía đoàn giám sát, ông Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh), trưởng đoàn cho rằng ngoài những kết quả tích cực mà mô hình trường học mới VNEN đạt được, đoàn kiến nghị với ngành Giáo dục cần rà soát lại các trường triển khai mô hình VNEN. Vì trên thực tế việc thực hiện mô hình chỉ thực hiện ở những vùng có điều kiện, như: thành phố, thị trấn, vùng thấp, còn những vùng khó khăn chỉ vận dụng những thành tố của VNEN để áp dụng linh hoạt trong phương pháp giảng dạy truyền thống.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top