Nguồn vốn tiếp sức đến trường

09:22 - Thứ Hai, 11/12/2017 Lượt xem: 4098 In bài viết
ĐBP - Chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV) được triển khai thực hiện từ tháng 3/1998, song chỉ thực sự đi vào cuộc sống từ cuối năm 2007 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QÐ - TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV. Ðây là chương trình có ý nghĩa xã hội to lớn, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng HSSV phải bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để con, em mình tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập.

 

Chương trình chính sách tín dụng cho vay HSSV đã giúp hàng nghìn HSSV trên địa bàn tỉnh được tiếp tục theo đuổi học tập. Trong ảnh: Học viên Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên thực hành sửa chữa ô tô.

Theo Quyết định 157, đối tượng thụ hưởng bao gồm HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; học sinh mồ côi. Ðặc biệt, nguồn vốn của chương trình không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo. Lãi suất cho vay ưu đãi 6,6%/năm (0,55%/tháng). Trong thời gian đang theo học cộng với 1 năm khi ra trường HSSV chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay. Mức cho vay cũng nhiều lần được điều chỉnh tăng dần cho phù hợp với thực tế, từ 800.000 đồng/tháng/HSSV năm 2007, qua 5 lần điều chỉnh đến năm 2016 đã tăng lên 1.250.000 đồng/tháng/HSSV. Gần đây nhất, ngày 30/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 751/QÐ - TTg (có hiệu lực từ 15/6/2017) điều chỉnh mức cho vay về tín dụng đối với HSSV với mức tối đa là 1.500.000 đồng/tháng/HSSV.

Mong mỏi cho con ăn học bằng bạn, bằng bè, nhưng đã có lúc bà Lò Thị Thắm, đội 3, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) từng nghĩ đến việc bỏ dở chuyện học hành của các con, bởi gia đình quá nghèo. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của chương trình cho vay vốn HSSV, các con bà đã tiếp tục được ăn học. Bà Thắm chia sẻ: Gia đình tôi trước kia thuộc diện hộ nghèo, bởi vậy, khi con tôi đỗ đại học, tôi vừa mừng vừa lo. Lo vì không biết lấy tiền đâu cho con theo học 4 năm đại học. Rất may, thông qua Hội phụ nữ xã, gia đình tôi được tín chấp vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng. Ðến nay, con tôi đã ra trường, có việc làm ổn định, gia đình cũng trả được nợ ngân hàng.

Với mục tiêu không để HSSV bỏ học giữa chừng vì khó khăn về tài chính, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với chương trìn tín dụng HSSV.  Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 157, đến năm 2017 toàn tỉnh đã có gần 21.500 lượt HSSV được vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay đạt gần 230 tỷ đồng. Trong đó, huyện Tuần Giáo là địa bàn có số HSSV được vay vốn đi học nhiều nhất tỉnh với 5.260 HSSV; huyện Ðiện Biên hơn 4.600 HSSV; Mường Nhé hơn 4.500 HSSV…

Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, phần lớn là dân tộc thiểu số nên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là việc thu hồi vốn do sinh viên ra trường chưa có việc làm ổn định. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn vốn để quay vòng cho vay. Bởi vậy, trong thời gian tới, để chương trình đạt hiệu quả tốt hơn, bên cạnh sự nỗ lực của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, các cấp chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể cần tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho HSSV để khi ra trường có việc làm phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện từng hộ gia đình.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top