Không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức:

Liệu có “vàng, thau lẫn lộn"?

14:57 - Thứ Sáu, 22/12/2017 Lượt xem: 5463 In bài viết
Bằng đại học tại chức sẽ có giá trị tương đương bằng đại học chính quy, đó là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố. Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, quy định này có gây nên tình trạng “vàng, thau lẫn lộn" về chất lượng đào tạo?

Giảm tâm lý "sính" bằng cấp

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có 36/73 điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi. Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo là tên gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (hệ vừa học vừa làm, giáo dục thường xuyên) được đổi thành hình thức đào tạo tập trung và không tập trung. Hai loại hình này chỉ khác nhau về phương thức đào tạo, các yếu tố khác như chương trình, giáo viên, phương pháp đánh giá, chuẩn "đầu ra" và bằng tốt nghiệp đại học là như nhau.

 

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đề xuất này phù hợp với Nghị quyết 29-NQ/TƯ "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và xu thế thời đại. Khi có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, sinh viên không nhất thiết phải theo học hình thức đào tạo tập trung. Đây cũng là giải pháp góp phần giảm tâm lý "sính" bằng cấp vốn tồn tại ở một bộ phận người dân hiện nay.

Với quy định này, các nhà tuyển dụng sẽ chú trọng hơn tới việc đánh giá thực lực của ứng viên thay vì chỉ căn cứ vào văn bằng như đã diễn ra ở một số địa phương. Mặt khác, dự thảo cũng hướng đến yêu cầu các trường phải có giải pháp bảo đảm chất lượng để người học được xã hội đánh giá bình đẳng khi theo học các hình thức đào tạo khác nhau. Các cơ sở thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo sẽ buộc phải nghiêm túc, cẩn trọng khi cấp bằng cho học viên để bảo vệ uy tín.

PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, bằng cấp chỉ là một điều kiện; công tác tuyển dụng cần xuất phát từ nhu cầu và năng lực ứng viên. Việc xóa bỏ khoảng cách giữa hai hình thức đào tạo là phù hợp với xu thế chung của nhiều nước tiên tiến. 

“Em và một số bạn cùng trường háo hức với chủ trương này, bởi trong điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chúng em phải đi làm thêm, mất khá nhiều thời gian, trong khi đó vẫn phải bảo đảm thời gian có mặt ở lớp, nếu không sẽ không được thi. Nếu chủ trương này được áp dụng, chúng em có thể theo học đại học mọi lúc, mọi nơi, bởi hiện nay công nghệ thông tin rất phát triển, có thể hỗ trợ nhiều cho việc học tập”, em Nguyễn Hoàng Mai, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) chia sẻ.

Tăng mối nghi ngại

Thuận lợi đã thấy, nhưng không ít người vẫn hoài nghi về tính khả thi của đề xuất nói trên bởi thực tế, chất lượng đào tạo hệ tại chức vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự tin tưởng của người dân và nhà tuyển dụng.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), về lý thuyết, chương trình đào tạo hệ chính quy và tại chức là giống nhau, nhưng việc tổ chức thực hiện lại có nhiều khác biệt. “Đầu vào” hệ chính quy cao hơn, quy trình đào tạo nghiêm túc, chặt chẽ hơn; còn hệ tại chức thường được cho là có xu hướng nới lỏng hơn. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có những giải pháp chặt chẽ để kiểm soát chất lượng đào tạo thì chưa thể quyết định cấp cùng một loại văn bằng cho hai đối tượng học hai hình thức đào tạo khác nhau” - Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Mặc dù ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, song PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc bảo đảm chất lượng tương đương giữa hai hình thức đào tạo chính quy và tại chức là rất khó. Theo PGS Trần Văn Tớp, thời lượng bắt buộc của người học theo hình thức đào tạo chính quy là 10 tháng/năm; với người học tại chức là 5-6 tháng/năm.

Tuy nhiên, yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo đòi hỏi người học hệ tại chức cần thời gian tự học nhiều gấp đôi so với người học chính quy, song trên thực tế, họ khó có thể bảo đảm thời gian và chất lượng học tập như mong muốn. 

Vì vậy, nếu muốn bảo đảm chất lượng đào tạo của hai hệ đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần áp dụng đồng thời những quy định chặt chẽ về tuyển sinh, nội dung chương trình, phương pháp kiểm tra, đánh giá, quy trình đào tạo, chất lượng “đầu ra”..., coi đây là yêu cầu bắt buộc đối với cơ sở. Nếu cơ sở nào không đáp ứng các điều kiện này thì không được phép tuyển sinh và dứt khoát không được cấp bằng cho người học chưa bảo đảm yêu cầu.

Trước sự lo ngại về nguy cơ "vàng, thau" lẫn lộn khi không có sự phân biệt giữa bằng đại học chính quy và tại chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định thống nhất các nội dung chính ghi trên văn bằng, còn hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chưa đề cập cụ thể việc ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Quyết định này dựa trên căn cứ tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top