Tuyển sinh lớp 6 bằng kiểm tra năng lực:

Người mừng, kẻ lo

15:00 - Thứ Năm, 28/12/2017 Lượt xem: 4936 In bài viết
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của Dự thảo một số điều Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố là việc các trường THCS có thể được tổ chức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh để tuyển sinh lớp 6 thay vì chỉ được xét tuyển như quy định hiện hành. Trong khi ban giám hiệu các nhà trường khá hào hứng với chủ trương này thì nhiều phụ huynh lại lo ngại học sinh có thể chịu áp lực về thi cử.

Loay hoay với phương thức tuyển sinh

Ngày 18-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18-4-2014 với một số điểm mới như quy định việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS, nâng mức độ yêu cầu đối với học sinh giành giải cuộc thi khoa học kỹ thuật từ cấp tỉnh, thành phố lên cấp quốc gia để được hưởng chế độ tuyển thẳng... 

 

Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh lớp 6 bằng kiểm tra năng lực sẽ “cởi trói” cho các trường.

Điểm mới đáng chú ý nhất tại dự thảo là thay vì chỉ được áp dụng duy nhất một phương thức tuyển sinh là xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cho phép các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh để tuyển sinh.

Thực tế, phương thức tuyển sinh này từng được triển khai trong khoảng thời gian khá dài, cho đến cuối năm 2014, trước tình trạng các lớp luyện thi vào lớp 6 mở ra tràn lan, gây áp lực với học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, trong đó quy định các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức. 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể, chứ không phải tổ chức đánh giá kiến thức môn toán, môn tiếng Việt... Định hướng của ngành Giáo dục là phát triển 10 năng lực cho học sinh, gồm ngôn ngữ, tin học, nghệ thuật, thể chất, tự chủ - tự học, giao tiếp - hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo... Mỗi nhà trường có thể lựa chọn nội dung đánh giá theo yêu cầu giáo dục và mục tiêu của nhà trường.
Như vậy, chỉ trong vài năm, phương thức tuyển sinh lớp 6 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được điều chỉnh vài lần. Nếu dự thảo lần này nhận được sự đồng thuận, "lệnh cấm" trên sẽ được phá bỏ và việc các trường THCS được tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh để tuyển sinh sẽ được áp dụng ngay từ kỳ tuyển sinh năm học 2018-2019.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bất cập khi chỉ áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh ở một số trường là phải sử dụng tiêu chí phụ, dẫn đến việc phụ huynh, học sinh đôn đáo để có được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi. Thời gian qua, tại các nhà trường có quá nhiều cuộc thi, mục tiêu là tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nhưng lại được sử dụng như điều kiện “đầu vào” của các trường THCS, nên nảy sinh nhiều vấn đề không lành mạnh. 

Vì vậy, bên cạnh việc giảm các cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh cách thức tuyển sinh, vừa để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh của các trường, nhất là những trường có bề dày thành tích, có uy tín với học sinh, vừa giảm áp lực cho học sinh, hạn chế tình trạng chạy đua giải thưởng.

Băn khoăn tính khả thi

Với việc cho phép các trường THCS có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh để xét tuyển, nhiều người cho rằng đây là cuộc tái mở đường cho việc thi tuyển vào lớp 6, và tình trạng tổ chức luyện thi ồ ạt, học sinh bị quá tải là điều có thể xảy ra.

“Lo lắng ấy là có cơ sở. Trước năm 2014, các trường phổ thông như Nguyễn Siêu, Lương Thế Vinh, Marie Curie... đã tổ chức thi tuyển khá gắt gao bởi số lượng học sinh đăng ký dự tuyển luôn cao gấp 5-6 lần so với chỉ tiêu. Học sinh muốn được vào trường phải ôn luyện cật lực. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đôn đáo tìm người dạy thêm, nhất là giáo viên của trường mà con dự kiến dự tuyển, hoặc gửi con theo học tại các trung tâm luyện thi gần trường” - chị Nguyễn Thu Hương, người từng có con học tại Trường THCS Nguyễn Siêu bày tỏ.

Tuy nhiên, các nhà trường lại khá hào hứng với chủ trương này. Thầy Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, mỗi năm nhà trường tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ có điểm học bạ tuyệt đối, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 600 em. Việc sử dụng tiêu chí phụ để tuyển sinh cũng rất khó khăn bởi cứ khoảng 10 em thì 4-5 em có giải thưởng ở các cuộc thi như toán, tiếng Anh, văn hóa nghệ thuật... Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cởi trói cho các trường khi được chủ động tổ chức tuyển sinh nhằm nâng cao chất lượng “đầu vào”.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Siêu cho rằng, phương án này giúp giảm áp lực về học tập và những cuộc chạy đua để giành giải thưởng cho học sinh. Tuy nhiên, để chủ trương này có tính khả thi, đạt hiệu quả, cấp quản lý cần quy định cụ thể về điều kiện, quy mô của các trường như thế nào, có tính đặc thù ra sao mới được phép tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, tránh tình trạng có trường không quá khó khăn trong tuyển sinh nhưng vẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá, gây áp lực không cần thiết với học sinh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top