Gập ghềnh đường đến trường

09:57 - Thứ Năm, 11/01/2018 Lượt xem: 4130 In bài viết
ĐBP - Tại Trường Trung học Phổ thông Mùn Chung (huyện Tuần Giáo), tôi được gặp gỡ, và chia sẻ về cuộc sống, công việc học tập cũng như hoàn cảnh gia đình của em Sùng A Nhanh, học sinh lớp 11B1. Nhà Nhanh ở bản Nậm Din, xã Phình Sáng. Mặc dù đôi chân em không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa nhưng ý chí quyết tâm đã giúp Nhanh không chịu khuất phục bệnh tật, hàng ngày vẫn cắp sách tới trường. Nhanh bảo: “Nhà em ở xa, ngày thường bố mẹ đi làm nương nên cuối tuần mới đến đón em về, đầu tuần lại đưa đi học. Em cũng muốn lành lặn để tự đạp xe đến trường, được chơi các trò chơi với các bạn nhưng không thể”. Nhìn những vết chai sạm trên đôi tay của Nhanh khiến tôi không khỏi xót xa. Bởi đôi tay ấy, ngoài việc cầm bút và làm những công việc trong sinh hoạt hàng ngày, Nhanh còn sử dụng để đi lại.

Thầy Nguyễn Viết Trung, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình học sinh Sùng A Nhanh khó khăn lắm, thuộc diện hộ nghèo của xã. Vất vả, song gia đình vẫn cố gắng cho con đi học. Còn với  Nhanh, dù khuyết tật cả đôi chân, nhưng em là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó học tập”. Theo thầy Trung, học sinh ở trường phần lớn là người dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn, do đó cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi cũng đã và đang tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân xã hội hóa công tác giáo dục, chung tay hỗ trợ học sinh cả về vật chất lẫn tinh thần để các em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ trên con đường học tập.

 

Học sinh Trường Trung học cơ sở Chiềng Sơ (huyện Ðiện Biên Ðông) vui mừng nhận xe đạp của đoàn từ thiện.

Ở vùng cao, đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, thế nên để duy trì sĩ số lớp là rất khó. Cũng vì nhận thức về sự học chưa cao, thậm chí có những gia đình vì mưu sinh cuộc sống, làm lụng vất vả vẫn không đủ cái ăn cái mặc nên nhất định không cho con đi học. Dẫu cho hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ tiền học phí cũng như ăn, ở bán trú cho học sinh. Có những gia đình dù cho con đi học nhưng lại phó mặc toàn bộ việc chăm sóc, dạy dỗ con em cho nhà trường. Chính vì thế, để duy trì được sĩ số học sinh, các thầy cô phải mất nhiều công sức vận động, thuyết phục các gia đình nghèo cho con em đến lớp. Sau giờ lên lớp, các thầy cô lại đảm nhiệm luôn vai trò cha mẹ của các em, chăm sóc, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh của mình. Thầy Trần Ðăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), chia sẻ: Là người gắn bó với vùng cao, từng giảng dạy và công tác ở nhiều trường học, tôi hiểu được cuộc sống của người dân nơi đây. Nhiều gia đình học sinh rất khó khăn, các em đến trường chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo trên người. Thầy cô giáo thương quá, mỗi lần ra huyện lại quyên góp tiền mua cho các em vài bộ, nhưng cũng chỉ giúp được cho một số học sinh. Ðặc biệt, vào mùa đông ở đây rét lắm, nhiều hôm đứng trên bục giảng nhìn các em co ro vì giá lạnh, chúng tôi rất thương các em nhưng lực bất tòng tâm...

Chia sẻ với giáo dục vùng cao, thời gian qua, rất nhiều các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng thiện nguyện đã đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trao nhiều phần quà hết sức ý nghĩa và thiết thực cho học sinh, như: Quần, áo, giày, dép, đồ dùng học tập, tiền mặt... Những món quà đó càng trở nên ý nghĩa hơn khi giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, được học tập. Có dịp dự buổi lễ trao quà từ thiện cho học sinh nghèo tại huyện Ðiện Biên Ðông do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Câu lạc bộ ô tô CX5 Hà Nội, Phòng Chính trị (Công an tỉnh) tổ chức hồi tháng 11/2017 vừa qua, chúng tôi thấy rõ niềm vui của phụ huynh và các em học sinh. Là 1 trong 30 học sinh được tặng xe đạp, em Lò Văn Toản, học sinh Trường Trung học cơ sở Chiềng Sơ, phấn khởi nói: “Bố mẹ em bảo nhà mình không có điều kiện để mua xe đạp. Thế nên hàng ngày đi học em phải đi bộ hoặc đi nhờ bạn bè. Giờ có xe đạp rồi, em mừng lắm.”

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ðối với vùng đất còn nhiều gian khó như tỉnh Ðiện Biên, đó là con số không hề nhỏ. Mong sao, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sẽ giúp cho con đường đến trường của các em bớt ghập ghềnh hơn.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top