Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho học sinh bán trú

08:27 - Thứ Sáu, 19/01/2018 Lượt xem: 6942 In bài viết
ĐBP - Tỉnh ta có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó nhiều dân tộc thiểu số. Ðịa hình có nhiều đồi núi hiểm trở chia cắt, giao thông khó khăn và do nhiều nguyên nhân, nên đa số đời sống người dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo đa chiều. Ðiều đó ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số. Phát triển mạnh loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và phát triển sự nghiệp giáo dục, kinh tế - xã hội địa phương.

 

Một giờ học của học sinh lớp 8, Trường PTDTBT Trung học cơ sở Mường Ðun (huyện Tủa Chùa).

Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 497 trường, trong đó 137 trường có học sinh bán trú, tập trung tại 2 bậc học: tiểu học và THCS. Với tổng số 39.943 học sinh bán trú; 3.047 phòng ở bán trú (1.251 phòng bán trú kiên cố, 1.343 phòng bán kiên cố, 453 phòng tạm). Những huyện có đông học sinh bán trú, là: Nậm Pồ, Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông. Học sinh ở bán trú được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, học sinh bán trú được hưởng tiền ăn bằng 40% lương cơ sở và không quá 9 tháng/năm học/học sinh; hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% lương cơ sở và không quá 9 tháng/năm học/học sinh (nếu nhà trường không thể bố trí được ở bán trú trong trường); mỗi tháng 15kg gạo và không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Ngoài ra, học sinh bán trú còn được hỗ trợ lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, hỗ trợ mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao và kinh phí nấu ăn. Những năm gần đây, số lượng trường PTDTBT tại các huyện tăng nhanh, tạo cơ hội đến trường, học tập chuyên cần, nâng cao chất lượng học tập cho các trường vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhờ nâng cao chất lượng học tập, nhiều trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn quốc gia, nhiều học sinh dân tộc thiểu số đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao nhất nước, hạ tầng giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn, nhiều học sinh dân tộc thiểu số xa trường. Ðược ở nội trú là điều kiện thuận lợi cho các em được đến trường tiếp cận các chương trình phổ cập giáo dục, nâng cao kiến thức, nhận thức hiểu biết xã hội, pháp luật. Những năm qua, Phòng đã tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường bán trú, tuyên truyền vận động học sinh ở bán trú. Nhờ đó, quy mô trường lớp và số lượng học sinh tăng nhanh. Nhờ việc tổ chức tốt chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho học sinh bán trú, nên chất lượng học tập của các em không ngừng tăng lên. Học sinh bán trú học 2 buổi/ngày, giáo viên có điều kiện giảng dạy bổ sung kiến thức cho học sinh, có phương pháp phụ đạo cho học sinh yếu. Cùng với đó, các em còn được dạy kỹ năng sống, giao tiếp, tự lập, thay đổi nếp sống, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc nhưng tiếp cận văn hóa, văn minh, hiện đại.

Thầy giáo Bùi Quang Trung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè (huyện Tủa Chùa), cho biết: Xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều thôn, bản xa trung tâm xã, được ở bán trú là điều kiện rất tốt cho con em đồng bào các dân tộc địa phương, có cơ hội theo học và thực hiện tốt các chương trình phổ cập giáo dục. Năm học 2017 - 2018, Trường có 1.006 học sinh của 4 dân tộc: Mông, Thái, Dao, Kháng; trong đó, 325 học sinh bán trú, 882 học sinh con em hộ nghèo được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập. Những chế độ chính sách trên đã tạo điều kiện cho các em chăm lo học tập, yêu trường mến lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường do học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học chuyên cần, chăm sóc chu đáo. Gia đình anh Giàng A Thắng, bản Sông A2 cách trung tâm xã 10km. Bản thân anh Thắng nghiện ma túy đã 13 năm, vợ chồng anh có 7 người con, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhà lại xa trung tâm. Nếu không được hưởng chế độ chính sách bán trú các con của vợ chồng anh Thắng không thể tới trường học chữ.

Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho học sinh bán trú, đẩy mạnh các phong trào văn hóa - văn nghệ - thể thao để thu hút học sinh có môi trường sống lành mạnh yêu trường mến lớp, đỡ nhớ nhà. Nhiều trường PTDTBT còn tổ chức tốt việc tăng gia lao động sản xuất trong giờ nghỉ, ngày nghỉ giúp các em yêu lao động và có thêm thực phẩm cải thiện đời sống. Mô hình trường bán trú đang phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại các trường vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top