Thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018: Thí sinh sẽ thuận lợi hơn

14:39 - Thứ Sáu, 26/01/2018 Lượt xem: 5708 In bài viết
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giữ nguyên phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, không quy định điểm sàn chung cho các trường đại học, cao đẳng, không hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh. Đây là chủ trương vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố với mục tiêu tăng quyền tự chủ cho cơ sở, tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh.

Thi THPT quốc gia: Thêm kiến thức lớp 11

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 về cơ bản vẫn giữ ổn định về phương thức như năm 2017. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khi được hỏi về chủ trương liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm nay. “Điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là không chỉ có nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 như năm trước, mà có thêm phần kiến thức của chương trình lớp 11. Đây là lộ trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cách đây 1 năm. Ghi nhận thực tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các thầy, cô giáo, học sinh đều đã có sự chuẩn bị cho sự thay đổi này” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm.

 

Những quy định mới giúp thí sinh sẽ thuận lợi hơn trong kỳ thi sắp tới.

Thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Công tác ôn tập cho kỳ thi được triển khai chu đáo, sau mỗi đợt ôn tập, hầu hết các nhà trường đều tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra thử các môn cơ bản trong các tổ hợp xét tuyển như toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học... Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, nhà trường vừa tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra thử đợt 1. Kết quả kiểm tra vừa là căn cứ để giáo viên điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập hiệu quả hơn, vừa giúp học sinh rèn luyện tâm lý, kỹ năng làm bài, hạn chế những lỗi đáng tiếc. Trong đợt kiểm tra vừa qua, ngoài học sinh nhà trường còn có gần 200 học sinh các trường khác cùng tham gia. Theo thông lệ, mỗi năm trường sẽ tổ chức 3 đợt kiểm tra thử. Đợt kiểm tra thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3.

Vào ngày 5-1 vừa qua, học sinh Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) cũng đã trải qua đợt 1 của kỳ kiểm tra thử chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. “Chúng em được tổ chức ngồi theo phòng, xếp số báo danh và được phát mỗi người một đề như khi thi thật. Mối lo lắng lớn nhất của em là làm sao điều tiết thời gian làm bài một cách hợp lý, bởi trong vòng 90 phút chúng em phải giải quyết 50 câu hỏi trắc nghiệm. Tham gia làm bài kiểm tra thử là cơ hội để em tập dượt với tình huống này” - em Đỗ Tuấn Anh, học sinh của trường cho biết.

Mối quan tâm chung của ban giám hiệu các nhà trường là ra đề kiểm tra như thế nào cho phù hợp, sát với yêu cầu của đề thi chính thức. “Đề thi quá khó hoặc quá dễ đều ảnh hưởng tới tâm lý học sinh và khó có thể nhận biết mức độ đáp ứng của học sinh với đề thi thật, từ đó khó điều chỉnh cách thức và nội dung ôn tập cho phù hợp.

Rộng cửa cho thí sinh

Mặc dù còn vài tháng nữa mới tới kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 nhưng nhiều trường đã công bố rộng rãi cách thức xét tuyển để thí sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. 

Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tiên phong trong việc đổi mới công tác tuyển sinh với việc sử dụng thêm chứng chỉ quốc tế Cambridge International Examinations A - Level và kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Schoolastic Assesment Test) để xét tuyển với những tiêu chí nhằm khẳng định uy tín, chất lượng của một đại học lớn hàng đầu của Việt Nam, thu hút nhiều học sinh tài năng theo học. Bên cạnh đó, việc dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và điểm thi đánh giá năng lực do đơn vị tổ chức cũng vẫn được áp dụng như mọi năm.

Cùng mục tiêu đem lại thuận lợi tối đa cho thí sinh, Trường Đại học Ngoại thương công bố, ngoài việc xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, trường sẽ sử dụng thêm cách thức xét tuyển kết hợp dành cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Dự kiến, cách thức này sẽ được triển khai trước khi áp dụng việc xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Thí sinh đăng ký theo cách thức xét tuyển kết hợp, nếu không trúng tuyển có thể tiếp tục tham gia cách thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia.

Còn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực hiện nay, nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin, nhất là các chuyên ngành đang “khát” nhân lực như khoa học máy tính, an toàn thông tin - an ninh mạng... để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề. Ngoài ra, nhà trường cũng dự kiến điều chỉnh phương pháp đào tạo - từ cách thức đào tạo truyền thống sang phương pháp dạy hỗn hợp: 30% số học phần được đào tạo online, số học phần còn lại được đào tạo trên giảng đường. Cách thức này nhằm tạo thuận lợi cho cả giảng viên và sinh viên trong việc tiếp cận bài giảng, giảm thời gian di chuyển và tiết kiệm chi phí.

Tăng cơ hội xét tuyển, không giới hạn số lượng nguyện vọng, đa dạng hình thức đào tạo nhằm mở rộng cửa cho thí sinh có nguyện vọng học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT là chủ trương chung của các trường trong mùa tuyển sinh năm nay.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top