Ðề án Dạy chữ các dân tộc thiểu số ở Ðiện Biên

Hy vọng thêm nhiều mẫu tự được truyền dạy

16:50 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 5337 In bài viết
ĐBP - Sau những năm dài gián đoạn vì nhiều lý do, niên khóa 2010 - 2011 Sở Giáo dục và Ðào tạo đã xây dựng Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Ðề xuất này của cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh Ðiện Biên phê duyệt tại Quyết định số 895/QÐ-UBND ngày 8/9/2011, trên cơ sở tài liệu thí điểm dạy tiếng Thái biên soạn năm 2004, tiếp tục chỉnh sửa, nâng cao theo font chữ Thái chuẩn Việt Nam...

Ông Lò Văn Thâng - 71 tuổi, dân tộc Thái đen, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tuần Giáo, kiêm giáo viên tiếng Thái, cho biết: Từ hồi còn tỉnh Lai Châu (cũ) cũng như tỉnh Ðiện Biên hiện giờ, cộng đồng các dân tộc tỉnh ta được xác định cả thảy gồm 6 nhóm ngôn ngữ: Nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến; nhóm ngôn ngữ Mông - Dao; nhóm ngôn ngữ Tày - Thái; nhóm ngôn ngữ Hán; nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me và nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Một kết luận phổ quát dựa trên rất nhiều các công trình nghiên cứu chuyên môn của các nhà khoa học thuộc nhiều ngành liên quan, là trong số 19 dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, chỉ có 8 dân tộc (42,1%) có chữ viết; đó là các dân tộc: Dao, Giáy, Hoa, Lào, Mông, Nùng, Tày và Thái. Trong số 8 dân tộc được xem là có chữ viết riêng đó, hầu hết không phải là bộ chữ có nguồn gốc từ dân tộc mình, nếu xét về mặt tự dạng. Chẳng hạn, các dân tộc Dao, Giáy và Hoa dùng chữ Hán; dân tộc Mông, Tày và Nùng dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ cái Latinh; dân tộc Lào và dân tộc Thái dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ Phạn (ấn Ðộ)...

 

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất bàn về tài liệu dạy và học chữ Thái Việt Nam (do tỉnh Ðiện Biên đăng cai), tổ chức tại thành phố Ðiện Biên Phủ, trung tuần tháng 3/2009.

Không chỉ bây giờ mà cách đây hơn nửa thế kỷ, với tầm nhìn chiến lược, ngày 27/11/1961 Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 206/1961/NÐ-CP, phê chuẩn “Các phương án chữ Tày - Nùng, chữ Thái và chữ Mèo”. Ðiều 2 của quyết định này ghi rõ: Tại các khu tự trị và ở các địa phương có đồng bào Tày, Nùng, Thái và Mèo (Mông), chữ Tày - Nùng, chữ Thái và chữ Mèo đều coi là chữ chính thức và được dùng trong việc xoá nạn mù chữ, bổ túc văn hoá cho cán bộ và nhân dân; từng bước trong việc giảng dạy ở các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp; trong công văn, giấy tờ của các cơ quan Nhà nước và trong các hoạt động khác, tuỳ theo sự cần thiết của địa phương.

Theo đấy, chữ Tày - Nùng đã được dạy trong các lớp vỡ lòng, dạy xen kẽ với chữ phổ thông ở các lớp cấp I phổ thông, đã được dùng để viết báo, viết sách, và dịch một số tác phẩm quan trọng viết bằng chữ phổ thông. Một cuốn từ điển phổ thông Tày - Nùng - Việt đã được biên soạn. Chữ Mông đã được dùng để xoá nạn mù chữ cho đồng bào Mông ở nhiều địa phương; được dạy xen kẽ với chữ phổ thông trong các lớp vỡ lòng và cấp I phổ thông; đồng bào Mông ở nhiều nơi đã dùng chữ Mông để ghi sổ sách, viết báo, viết sách, ghi lại các truyện dân gian, làm thơ ca... đã biên soạn được cuốn ngữ pháp tiếng Mông và cuốn từ điển phổ thông Mông - Việt. Tài liệu dạy tiếng Thái cho học sinh tiểu học do Sở Giáo dục và Ðào tạo biên soạn, được đa số ý kiến đánh giá là đảm bảo yêu cầu cơ bản về mục tiêu bảo tồn vốn chữ viết cổ của dân tộc Thái. Chương trình được xây dựng gồm 400 tiết, trong đó: lớp 3 (160 tiết), lớp 4 (120 tiết), lớp 5 (120 tiết), chia làm 3 tập (1, 2, 3). Trước mắt triển khai dạy thí điểm cho học sinh tiểu học người dân tộc Thái, tại huyện Tuần Giáo và huyện Ðiện Biên. Sau khi hoàn thiện chương trình, học sinh được trang bị các kiến thức về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và sử dụng tiếng Thái trong giao tiếp hàng ngày. Với những em có năng khiếu và niềm đam mê, có thể tiếp tục học lên cao hơn, nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn về chữ Thái trên địa bàn Ðiện Biên nói riêng và chữ Thái Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, ông Lò Văn Thâng cũng bày tỏ băn khoăn, rằng với chữ Thái cải tiến, trong một thời gian đã được đưa vào dạy trong các lớp bổ túc văn hóa và cấp I phổ thông ở một số tỉnh, nhưng phong trào học và dùng chữ Thái cải tiến gặp nhiều khó khăn, trước hết là do bản thân chữ Thái cải tiến có những điểm chưa thật hợp lý, chưa thật tối ưu. Nhằm mục đích đẩy mạnh hơn nữa phong trào học và dùng chữ dân tộc, tạo thêm điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến nhanh hơn trong việc xây dựng cuộc sống mới, ngày 21/5/1969 Hội đồng Chính phủ đã quyết định về những phương hướng, chủ trương và biện pháp quan trọng đối với công tác xây dựng và sử dụng các chữ dân tộc nói chung, và đối với ba thứ chữ dân tộc Tày - Nùng, Mông, Thái đã được ban hành. Những việc làm trên đây bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực của các chữ viết dân tộc và đã góp phần làm cho nhân dân các dân tộc thêm tin tưởng vào chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ.

Còn nhớ tại Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm Chương trình, tài liệu dạy tiếng Thái cho học sinh lớp 3, 4, 5 cấp tiểu học, do Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên tổ chức sáng ngày 16/7/2013, trao đổi với chúng tôi bên hành lang trong giờ giải lao, ông Trần Xuân Thủy - Vụ phó Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Ðào tạo - cho biết: Vấn đề dạy chữ dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung, hầu như tỉnh nào cũng gặp một vài khó khăn nhất định. Song với Ðiện Biên, tình hình có nhiều khả quan do được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt ngành chủ quản (Sở Giáo dục và Ðào tạo) nhập cuộc tích cực, năng động, bài bản với những chuyên gia mẫn cán, có kiến thức về chữ Thái và nhất là có kinh nghiệm truyền thụ (nghiệp vụ sư phạm).

Hy vọng trong tương lai không xa trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, thông qua các nguồn kinh phí đầu tư, không chỉ tiếng Thái, tiếng Mông mà thêm nhiều mẫu tự của các dân tộc thiểu số tiếp tục được khôi phục và truyền dạy, với vai trò “là công cụ bắc cầu sang ngôn ngữ phổ thông”...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top