Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao

09:21 - Thứ Sáu, 02/03/2018 Lượt xem: 6794 In bài viết
ĐBP - Ðiểm trường Xá Tự thuộc Trường Mầm non Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) là điểm trường xa và khó khăn nhất của xã Tênh Phông. Với lòng yêu nghề, mến trẻ; những năm qua các thầy, cô giáo của trường đã không quản khó khăn trèo đèo, lội suối, bám bản, bám lớp đem con chữ đến cho con em đồng bào nơi đây.

Sau hơn 1 giờ gồng tay lái với những con dốc ngoằn nghèo, một bên là vực sâu, chúng tôi đã có mặt tại điểm trường Xá Tự, đúng lúc các cô giáo đang hướng dẫn các trẻ chơi trò em hát, em thì vỗ tay khá vui nhộn trong sân trường nhỏ trước những phòng học tạm. Theo cô giáo Lò Thị Lan người có thâm niên trên 5 năm đứng lớp ở các điểm bản. Trường Mầm non Tênh Phông có 5 điểm trường (tính cả điểm trường trung tâm) thì điểm trường Xá Tự xa xôi và khó khăn nhất. Hiện điểm trường Xá Tự có 2 lớp ghép (lớp trẻ 3 tuổi và 4 tuổi; lớp trẻ 4 tuổi và 5 tuổi) với tổng số 46 trẻ và 2 giáo viên phụ trách đứng lớp. Hàng ngày ngoài công việc chuyên môn đứng lớp, các cô còn phải chăm lo từ bữa ăn giấc ngủ cho các em; bởi học sinh đông, đa phần nhà cách xa điểm trường nên bữa trưa phải nghỉ lại lớp. Ðiểm trường chỉ có 2 giáo viên với một cấp dưỡng nhiều khi cô cấp dưỡng bị ốm hay có việc gia đình nghỉ đột xuất các cô phải thay nhau vào bếp nấu ăn cho học sinh. Sau gần 50 phút cho các em ăn và ngủ, các cô mới về phòng ăn cơm...

 

Giờ học của cô và trò ở điểm trường Mầm non Xá Tự.

Ðiểm trường cách trung tâm xã 15km đi lại rất khó khăn nhất là vào mùa mưa; nên sau những giờ dạy trên lớp, các cô giáo còn tận dụng đất trong khuôn viên trường để trồng rau cải thiện bữa ăn hàng ngày. Thông thường thời tiết nắng ráo thì cuối buổi chiều thứ 6 các cô về nhà, chăm sóc gia đình và chiều chủ nhật lại tay xách nách mang đủ thứ nhu yếu phẩm, để chuẩn bị cho một tuần công tác mới. Còn vào mùa mưa muốn về nhà thì phải cuốc bộ hàng chục cây số đường đồi nên có khi hàng tháng trời mới được về thăm nhà một lần. Các cô giáo, mỗi người một hoàn cảnh riêng, nhưng có điểm chung là dành trọn tình thương cho học sinh nên cố gắng bám bản, bám lớp. Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 được gọi là nhà công vụ, nhưng thực chất là từ phòng học tạm của học sinh ngăn ra đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn làm việc để vừa làm nơi nghỉ ngơi và làm việc cho các cô. Cô giáo Lò Thị Lan tâm sự: Hiện vợ chồng mình có 1 cháu trai 5 tuổi gửi bà nội; cũng là từng ấy năm tôi chỉ có thể tranh thủ cuối tuần để về với chồng con. Làm nghề gì cũng phải yêu nghề, tâm huyết với nghề và cố gắng vì nó thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua. Nếu ai cũng muốn gần chồng, con; ai cũng muốn ở trung tâm thì lấy ai cắm bản đứng lớp ở vùng khó khăn dạy học...

Cũng là giáo viên cắm bản ở Xá Tự, cô Lò Thị Lâm, cho biết: Bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia, 100% là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí còn hạn chế nên gặp không ít khó khăn trong việc vận động phụ huynh học sinh đưa con em ra lớp. Ða phần nhà các em đều cách xa điểm trường chủ yếu đi đường mòn nên vào những ngày mưa to hầu hết các em đều nghỉ học. Những ngày trời mưa có em nhà ở cách trường đến 3 cây số, để các em tự về thì không yên tâm hai chị em lại bảo nhau đưa các con về tận nhà; quay lại trường thì cũng đã 7-8 giờ tối, lúc ấy mới bắt đầu nấu cơm, ăn xong lại ngồi soạn giáo án đến 11 giờ khuya mới được nghỉ. Nhiều đêm nhớ con muốn gọi điện về nhà thì sóng yếu không gọi được phải ra ngoài trời tìm chỗ gò đất cao sóng khỏe…

Chia tay các cô giáo khi trời nhập nhoạng tối, sương nặng hạt hơn làm người ớn lạnh, lại thèm được cái cảm giác ngồi bên bếp lửa quây quần cùng gia đình, người thân. Chợt nghĩ, không biết nếu mình ở nơi đây quanh năm suốt tháng thì sẽ thế nào. Song có một điều chúng tôi chắc chắn rằng, cuộc sống của các thầy cô nơi đây còn rất nhiều khó khăn, vất vả và sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao thành công là nhờ nghị lực và tâm huyết của họ - những người nhọc nhằn “gieo” chữ vùng cao.

Bài, ảnh: Anh Tuấn
Bình luận
Back To Top