Tủa Chùa nỗ lực duy trì sĩ số học sinh ra lớp

09:13 - Thứ Tư, 21/03/2018 Lượt xem: 7700 In bài viết
ĐBP - Lâu nay, việc huy động học sinh ra lớp, nhất là duy trì sĩ số đối với hầu hết đơn vị giáo dục ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa luôn là bài toán khó. Với đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó hơn 70% dân tộc Mông, nên nhiệm vụ này lại càng khó khăn hơn đối với những người làm công tác giáo dục huyện Tủa Chùa.

So với nhiều xã vùng cao khác của huyện, thì Tả Phìn không phải là xã xa nhất, nhưng việc huy động và duy trì nề nếp học tập ở các trường học gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm sau tết. Cách đây vài năm, vào thời điểm sau nghỉ tết, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của trường rất thấp. Nguyên nhân chính là do nhận thức của phụ huynh vẫn còn xem nhẹ chuyện học của con, nên công tác phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên trong vận động học sinh đến trường còn hạn chế. Trong khi đó, phong tục du xuân dài ngày vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến tư tưởng của người dân. Ðến trường không đúng lịch, không chuyên cần, khiến học sinh bị hổng nhiều kiến thức, dẫn đến việc giáo viên muốn đổi mới phương pháp cũng gặp khó khăn.

 

Một giờ học của cô và trò Trường PTDTBT - Tiểu học Tả Phìn.

Ðể đảm bảo sĩ số học sinh, những năm qua Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) - THCS Tả Phìn đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp. Ngay từ trước tết, nhà trường chủ động tập trung học sinh, nhắc nhở và triển khai kế hoạch, lịch học tập sau tết. Ngay khi kỳ nghỉ tết kết thúc, giáo viên, nhân viên nhà trường đều phải có mặt tại nơi công tác, được phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp cùng cán bộ phòng giáo dục, các lực lượng của xã đến từng địa bàn dân cư huy động học sinh ra lớp đầy đủ, và duy trì  hoạt động này liên tục trong các tuần tiếp theo cho đến khi học sinh đi học ổn định trở lại. “Sau tiết học cuối mỗi buổi chiều, một số giáo viên lại mang theo đèn pin, lên xe xuống bản làm nhiệm vụ vận động học sinh ra lớp. Giáo viên nhà trường phải phân công nhau đi, mà phải đi vào buổi tối thì phụ huynh và học sinh mới ở nhà để gặp. Không chỉ gặp các em mà cả cha mẹ các em, nhất là các trưởng dòng họ, người có uy tín để vận động, nhắc nhở con em mình đến trường” - Thầy giáo Nguyễn Khải Niệm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Khác với Trường PTDTBT - THCS Tả Phìn, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu Trường PTDTBT - Tiểu học Mường Báng số 1 đã gửi văn bản đến các thôn về số lượng học sinh ở từng nơi. Theo đó, các thôn phải có trách nhiệm quản lý, cũng như bàn giao học sinh đến lớp đúng thời gian quy định. Nhờ vậy, việc đến lớp của các em diễn ra đều đặn, xuyên suốt hơn. Tuy vậy, công tác vận động học sinh ra lớp vẫn được nhà trường duy trì thực hiện, nhất là các thời điểm đầu năm học, sau tết và mùa vụ. Song song với các ca học chính khóa thì những lớp học thêm, tranh thủ ngoài giờ vẫn được đội ngũ giáo viên ở đây duy trì để đảm bảo học sinh theo kịp kiến thức, chương trình học.

Vì là thực trạng chung nên muốn nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục Tủa Chùa xác định việc trước tiên là phải nâng cao tỷ lệ chuyên cần, duy trì sĩ số học sinh đến trường, lớp. Chính bởi vậy, bằng nhiều giải pháp khác nhau, những năm qua ngành không ngừng nỗ lực để nâng cao tỉ lệ học sinh ra lớp, nhất là sau thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó vai trò của chính quyền, các đoàn thể địa phương, nhất là các dòng họ được đơn vị đề cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể và Phòng GD - ÐT, ban giám hiệu, giáo viên các đơn vị trường học đóng trên địa bàn được duy trì thường xuyên; trực tiếp xuống từng thôn, bản để kịp thời nắm tình hình, nguyên nhân học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín của thôn, bản để tuyên truyền vận động học sinh ra lớp.

“Phòng GD - ÐT thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc duy trì tốt nền nếp trường học; ổn định các hoạt động dạy học ngay từ ngày đầu khi tái giảng sau kỳ nghỉ tết, đảm bảo các chế độ cho học sinh, duy trì chế độ bán trú cho trẻ, điều chỉnh các hoạt động phù hợp với thực tế địa phương... Các nhà trường tổ chức và duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng trường học thân thiện, cảnh quan sạch đẹp nhằm thu hút học sinh đến trường. Ðặc biệt, cán bộ giáo viên bám trường, bám lớp, nhưng không tổ chức dạy chay, dạy ghép; không để xảy ra hiện tượng trống tiết, trống lớp, trống trường do giáo viên nghỉ dạy và học sinh nghỉ học sau tết. Ngoài ra, ngành cũng tăng cường công tác kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình tại các cở sở giáo dục trực thuộc, để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc kịp thời” - ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Phòng GD - ÐT huyện Tủa Chùa cho biết.

Qua đó, những năm gần đây, con số học sinh ra lớp và chuyên cần đã tăng dần qua mỗi năm, việc duy trì nền nếp trường lớp, đặc biệt công tác duy trì sĩ số học sinh ra lớp đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến thời điểm 28/2 vừa qua, toàn ngành có 668 nhóm, lớp, với 13.568/16.996 học sinh, đạt tỷ lệ 80% (tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước). Con số này có phần còn khiêm tốn, song có thể thấy, để tạo được sự chuyển biến này, thì đằng sau đó là sự nỗ lực rất lớn của giáo dục Tủa Chùa trong suốt thời gian qua.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top