Tập trung cho kì thi THPT quốc gia 2018

09:15 - Thứ Tư, 28/03/2018 Lượt xem: 7008 In bài viết
ĐBP - Những ngày này vấn đề được học sinh và phụ huynh khối lớp 12 quan tâm hơn cả là việc ôn thi và thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ diễn ra như thế nào. Ngay sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), Sở GD&ÐT tỉnh đã triển khai nhiều nội dung chuẩn bị cho kì thi quan trọng này, giúp học sinh nắm rõ quy chế, phương án thi để yên tâm ôn luyện trong những ngày sắp tới.

Chương trình thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 cơ bản giống như năm trước, tuy nhiên vẫn có một số điểm mới, trong đó đáng chú ý nhất là đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và phân hóa với nhiều câu hỏi khó hơn. Vì vậy công tác ôn tập, tư vấn đều nhấn mạnh vào thay đổi này. Về hoạt động truyền thông, Sở GD&ÐT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên làm tốt công tác thông tin những điểm khác trong kì thi tốt nghiệp năm nay tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân trong tỉnh. Cùng với đó là tư vấn, hướng nghiệp học sinh căn cứ vào lực học để chọn môn thi tốt nghiệp, ngành học (cao đẳng, đại học…) hoặc học nghề phù hợp với năng lực, sở thích, yêu cầu nhân lực lao động của xã hội. Ngay từ học kỳ I, Sở GD&ÐT đã chỉ đạo 9 cụm chuyên môn trong toàn tỉnh tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia 2018 với nội dung chính là truyền thông và phân tích những điểm mới của kì thi; trao đổi kinh nghiệm quản lý, chuyên môn; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng toàn diện phù hợp với những thay đổi của kì thi. Ðồng thời Sở cử cán bộ cốt cán tới các trường thuộc vùng khó khăn, ít giáo viên để tư vấn, hỗ trợ chuyên môn liên quan đến hoạt động chuẩn bị cho kì thi.

 

Giờ ôn luyện môn Toán của học sinh lớp 12C1, Trường THPT Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên).

Về công tác ôn luyện, ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Phụ trách Sở GD&ÐT, cho biết: Việc dạy và học cơ bản không có gì thay đổi so với các năm học trước, quan trọng là đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học. Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo tới các cơ sở, trong đó trọng tâm là thực hiện chương trình THPT (lớp 11, 12) theo đúng kế hoạch, không dồn ép, cắt xén chương trình; tổ chức dạy học đến đâu ôn tập củng cố đến đó; hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tổ chức các bài kiểm tra thường xuyên, định kì nhằm đánh giá học sinh nghiêm túc, đúng quy chế; phân loại học sinh (theo bài thi, khối thi) để có giải pháp dạy, ôn tập phù hợp, đặc biệt quan tâm đến học sinh học lực yếu, có thể bị điểm liệt tốt nghiệp ở một số môn thi… Bên cạnh đó, Sở đã xây dựng thư viện câu hỏi tự luận, trắc nghiệm và đề tham khảo lớp 11, 12 gửi tới các đơn vị, phân công cán bộ chuyên môn đến hỗ trợ nếu các trường đề nghị.

Chúng tôi đến Trường THPT Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) vào một ngày cuối tháng 3. Ngoài giờ học chính khóa, vào buổi chiều, học sinh cuối cấp đã bắt đầu bận rộn với các lớp học phụ đạo, ôn thi tốt nghiệp. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức phân luồng học sinh theo nguyện vọng và kết quả học tập, theo đó nhà trường có 97 học sinh lớp 12 thì có 91 học sinh đăng ký môn tự chọn là tổ hợp khoa học xã hội, chỉ có 6 học sinh dự thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Phương án thi cùng những điểm mới đã được trường thông báo sớm đến học sinh thông qua các giờ sinh hoạt, ngoại khóa, trang thông tin điện tử của trường… Bắt đầu từ tháng 2, Trường triển khai kế hoạch ôn thi THPT quốc gia cho học sinh bám sát đề mẫu cùng hướng dẫn của Bộ. Với nội dung ôn tập rộng hơn, độ khó bài thi cũng tăng lên, yêu cầu học sinh phải chăm chỉ và nỗ lực nhiều hơn, vì vậy ngoài truyền đạt kiến thức, thầy cô cũng chú trọng hướng dẫn các em tự ôn luyện, chắt lọc, ghi nhớ thông tin. 2 môn mà học sinh trong trường yếu nhất là Toán và Ngoại ngữ, để tránh điểm liệt và nâng cao kết quả học tập cho học sinh, các giáo viên bộ môn đã thay đổi phương pháp dạy học sáng tạo, tương tác nhiều hơn nhằm giúp các em dễ ghi nhớ và nhớ lâu hơn, nắm chắc những kiến thức, kỹ năng cơ bản.

Trong kì thi năm 2017, toàn tỉnh có 4.614/4.746 thí sinh tốt nghiệp THPT (đạt 97,22%). Ðây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Ðiện Biên đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%. Theo số liệu dự kiến của Sở GD&ÐT, kì thi THPT quốc gia năm 2018, tỉnh có khoảng trên 5.700 thí sinh dự thi (bao gồm cả học sinh đến từ các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do), theo đó sẽ có 21 - 23 điểm thi (12 - 13 điểm thi liên trường). Với sự chuẩn bị sớm, chu đáo cả về tinh thần và nội dung kiến thức, mong rằng năm 2018 sẽ là năm thứ 3 các sĩ tử Ðiện Biên ghi dấu ấn trong kì thi THPT quốc gia với số điểm và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top