Quản lý hoạt động các trung tâm ngoại ngữ

08:50 - Thứ Sáu, 30/03/2018 Lượt xem: 6800 In bài viết
ĐBP - Tỉnh ta hiện có 2 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ là Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, trực thuộc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) và Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Globals. Những năm gần đây, cùng với nhu cầu học ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) tăng cao, các trung tâm đã có nhiều đổi mới trong chương trình giảng dạy nhằm thu hút học viên. Ðồng thời việc quản lý, kiểm soát hoạt động của các trung tâm cũng được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn.  

Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Globals là cơ sở đào tạo tiếng Anh ngoài công lập đầu tiên được mở tại tỉnh. Thành lập từ năm 2014, Trung tâm đã tạo được uy tín và được nhiều người dân có mong muốn nâng cao các kĩ năng Anh ngữ tìm đến. Trung tâm tuyển sinh đầu vào bằng hình thức thi đánh giá trình độ để sắp xếp học viên vào các lớp tương ứng. Tại đây, học viên được giảng dạy bởi giáo viên nước ngoài với giáo trình được cho phép của Bộ GD&ÐT. Kỳ I năm học 2017 - 2018, Trung tâm đã mở 37 lớp với 360 học viên; tổ chức đào tạo các chương trình: Tiếng Anh giao tiếp tổng quát, luyện thi các chứng chỉ quốc tế, đào tạo ngữ pháp và giao tiếp, Anh văn thiếu nhi - thiếu niên. Ðược biết mỗi khóa học tại Trung tâm có 2 bài kiểm tra giữa kì và cuối kì, các bài kiểm tra đều được gửi về gia đình học viên giúp phụ huynh theo dõi, đánh giá kết quả học tập.

Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, đã có 10 năm hoạt động, cũng có nhiều khóa đào tạo Anh ngữ theo nhu cầu người học, nhưng thu hút học viên đông nhất vẫn là các chương trình bồi dưỡng về kỹ năng nghe nói, ngữ pháp cho các đối tượng học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Thường vào dịp nghỉ hè, Trung tâm mở nhiều lớp Anh ngữ hơn với 20 - 25 lớp, trong năm học có khoảng 10 - 15 lớp, trung bình mỗi lớp 20 - 25 học sinh, mỗi khóa kéo dài 25 - 30 buổi học. Ngoài đào tạo trực tiếp tại cơ sở, Trung tâm còn hợp đồng dạy thử nghiệm Anh ngữ cho học sinh mầm non tại 5 trường trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên. Việc đánh giá năng lực người học, kết quả khóa học cũng được thực hiện thông qua các bài kiểm tra định kì hàng tháng và thi cuối khóa tại Trung tâm. Nếu học viên có nhu cầu thi lấy các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ đăng ký tại các đơn vị đủ thẩm quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Chất lượng Trung tâm được khẳng định bằng việc số lớp học, số học viên tăng đều hàng năm. Bà Phạm Thúy, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, cho biết: Vài năm trở lại đây, Trung tâm không ngừng đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, như: lồng ghép nhiều trò chơi, hoạt động ngoại khóa ý nghĩa trong chương trình học; thành lập câu lạc bộ tiếng Anh cộng đồng; sáng tạo trong cách thức truyền tải kiến thức để thu hút và lý thú hơn; hợp đồng với giáo viên người nước ngoài đến giảng dạy lâu dài… Vì vậy, số lớp Anh ngữ được mở năm qua tăng gấp đôi so với thời điểm 2 - 3 năm trước.

Có thể khẳng định các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh ta hoạt động ổn định, nề nếp, không xảy ra tình trạng mở lớp tràn lan, đào tạo hời hợt, cấp chứng chỉ không đúng quy định. Ðó là nhờ Sở GD&ÐT đã thực hiện nghiêm túc việc quản lý, kiểm soát chương trình giảng dạy, chất lượng đào tạo của các trung tâm. Cụ thể như: Hoạt động mở lớp phải báo cáo và được Sở cho phép, việc tổ chức thi có thanh tra Sở tham dự, giáo viên các trung tâm cũng phải tham gia đánh giá năng lực theo quy định của Bộ GD&ÐT và tham gia một số khóa bồi dưỡng do Sở phối hợp tổ chức. Ðặc biệt, việc tuyển dụng, hợp đồng với giáo viên người nước ngoài phải được UBND tỉnh chấp thuận, các cơ quan chức năng xác minh hồ sơ thủ tục, cấp giấy phép lao động (hiện mỗi trung tâm có 2 giáo viên người nước ngoài đang làm việc dài hạn). Cùng với sự quản lý của địa phương thì cả 2 trung tâm đều luôn ý thức, nỗ lực đa dạng hình thức, chương trình đào tạo, thu hút học viên. Các cơ sở khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập trên địa bàn, từ đó vận dụng phương pháp và thời gian học một cách linh hoạt theo phương châm tạo thuận lợi nhất cho học viên. Bên cạnh đó, đổi mới trong giảng dạy với các hoạt động thực tế, sinh hoạt ngoại khóa giúp người học trau dồi các kĩ năng hiệu quả, tự tin và chủ động hơn khi giao tiếp với người nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (Sở GD&ÐT) nhận định: Các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh có môi trường học tập hiện đại và cơ sở vật chất đảm bảo. Hoạt động của các trung tâm không chỉ góp phần nâng cao chất lượng học, khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh, người dân trên địa bàn mà còn giúp giáo viên địa phương có cơ hội học hỏi, đúc rút kinh nghiệm giảng dạy (đặc biệt là từ giáo viên người nước ngoài). Ðược biết, hiện tại có 2 cá nhân, đơn vị có ý muốn mở trung tâm đào tạo ngoại ngữ tại địa bàn nhưng vẫn chưa tiến hành làm hồ sơ, thủ tục. Nếu có thêm cơ sở đào tạo Anh ngữ được thành lập sẽ thúc đẩy các trung tâm ngày càng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; mở ra nhiều cơ hội học tập, trau dồi ngoại ngữ cho người dân. Ðồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cho các cơ quan chức năng trong công tác siết chặt quản lý, kiểm soát hoạt động và chất lượng đào tạo ngoại ngữ trên địa bàn.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top