Liên kết đào tạo theo nhu cầu xã hội

09:14 - Thứ Năm, 05/04/2018 Lượt xem: 6216 In bài viết
ĐBP - Ðáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhiều cơ sở đào tạo trong tỉnh đã thực hiện các chương trình liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học, hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học, sau đại học... góp phần đáp ứng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên là đơn vị có ưu thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực với hình thức liên kết đào tạo. Dự Lễ trao Bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ thông tin, khóa học 2015 - 2017 do trường liên kết với Trường Ðại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức cuối tháng 1 vừa qua cho hơn 30 học viên, chúng tôi hiểu rằng, khát khao nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là với ngành nghề có tính ứng dụng lớn này của người học đã được đáp ứng bởi một chương trình đào tạo bài bản, khoa học. Anh Ngô Xuân Trang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường), học viên của lớp nhận bằng giỏi, cho biết: Công nghệ thông tin là ngành đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội nên việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn là vô cùng cần thiết, nhất là thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Việc liên kết này khá thuận tiện cho người học về cả thời gian, tiết kiệm được không ít chi phí đi lại. Cơ bản chương trình đào tạo được giảng dạy trực tiếp tại trụ sở Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên bởi các thầy cô giáo có trình độ, kinh nghiệm của Trường Ðại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Và thay vì phải đi gần 600km để xuống tận trụ sở đào tạo của Trường Ðại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, chúng tôi vẫn được đào tạo theo chương trình chuẩn, đảm bảo thời gian thực hành, thực tế. Lớp học này giúp chúng tôi rất nhiều trong việc nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn; nhất là trong khâu ứng dụng. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Toán, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên cho biết: Không chỉ liên kết đào tạo chương trình thạc sĩ công nghệ thông tin với Trường Ðại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, thời gian qua nhà trường đã chủ động liên kết với các trường đại học, học viện danh tiếng mở các lớp đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, cao đẳng lên đại học, đại học hệ vừa làm vừa học, đại học văn bằng hai, cao học như các ngành: Kinh tế - tài chính, quản lý kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất đai... cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong và ngoài tỉnh. Nâng cao chất lượng hoạt động liên kết đào tạo, cùng với tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường xác định con người là yếu tố hàng đầu để từ đó đưa ra các giải pháp đào tạo nguồn giáo viên đạt chuẩn.

Còn tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh, bên cạnh các nhiệm vụ giảng dạy THPT, bồi dưỡng ngắn hạn, quản lý và giảng dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào; thời gian qua, đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ liên kết với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức đào tạo các lớp đại học hệ vừa làm vừa học, hệ từ xa, hệ liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học, học trực tuyến E-learning. Là địa chỉ tin cậy của đối tác trong công tác liên kết đào tạo, đến nay, Trung tâm đã liên kết với 20 trường đại học uy tín, thực hiện đào tạo hơn 30 chuyên ngành, với tổng số 209 lớp, 1.836 học viên. Riêng trong năm học 2017 - 2018, số lớp liên kết đang đào tạo tại Trung tâm là 27 lớp, 1.458 học viên (2 lớp hệ từ xa, 25 lớp hệ vừa làm vừa học). Liên kết đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là mục tiêu mà Trung tâm hướng tới. Vì vậy, khâu khảo sát nhu cầu đào tạo được Trung tâm đặc biệt chú trọng và xem đó là cơ sở để tiến hành tổ chức liên kết đào tạo (ngành nghề, số lượng, trình độ, thời gian, địa điểm, hình thức học...). Ðể từ đó xây dựng, chương trình kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện tìm kiếm các sơ sở đào tạo để thực hiện liên kết đào tạo. Nâng cao chất lượng liên kết đào tạo, Trung tâm phối hợp với đơn vị đào tạo thực hiện chặt chẽ nội dung, chương trình đào tạo, thời gian biểu đào tạo, quản lý giảng viên, học viên... Từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và tạo được niềm tin đối với người học, với địa phương.

Gia Kiên
Bình luận
Back To Top