Nối dài những ước mơ đến trường

09:41 - Thứ Hai, 16/04/2018 Lượt xem: 6774 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh còn quan tâm, chăm lo đến thế hệ tương lai bằng việc hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó đến trường. Nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Bộ BÐBP đã tiếp thêm sức mạnh chinh phục ước mơ của học sinh nơi biên cương đầy khó khăn, thiếu thốn.

Chúng tôi đến Ðồn Biên phòng Mường Nhà đúng dịp người dân bắt đầu mùa làm nương. Ðây cũng là khoảng thời gian cán bộ, chiến sĩ trong Ðồn hỗ trợ các thầy cô giáo đi vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số, đảm bảo chương trình dạy và học. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường”, trên địa bàn 2 xã: Na Tông và Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) có 4 học sinh được cán bộ, chiến sĩ BÐBP nhận đỡ đầu. Trong đó: cán bộ chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mường Nhà nhận hỗ trợ 2 em; 1 em do Chính ủy Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đỡ đầu và 1 em do Phòng Chính trị (BÐBP tỉnh) đỡ đầu. Mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng đến khi các em học hết THPT. 4 học sinh được nhận hỗ trợ là Sùng A Chùa (học lớp 4A3, Trường Tiểu học số 1 xã Mường Nhà); Lường Thị Biển (học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học số 1 xã Na Tông); Mùa A Củ (học sinh lớp 1, Trường Tiểu học số 2 xã Na Tông) và Tòng Thị Nguyên (học sinh lớp 11B4, Trường THPT Mường Nhà). Cả 4 em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập.

 

Cán bộ Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ cùng giáo viên hướng dẫn em Sùng Thị Sâu, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) ôn bài tại nhà.

Em Mùa A Củ, bản Sơn Tống, xã Na Tông từ lúc sinh ra đã không được may mắn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Căn bệnh bẩm sinh quái ác đã khiến em không thể đi lại được. Ðến tuổi đi học mầm non, bố mẹ đưa em đến trường với mong muốn cho con hòa nhập với bạn bè, đỡ phần tự ti về bản thân. Những năm tháng ở trường mầm non, được các cô giáo tận tình giúp đỡ, em Củ đã vượt qua những khó khăn ban đầu, luôn là một trong những “bé khỏe bé ngoan” của trường. Vào lớp 1, trường học cách xa nhà, hàng ngày, bố mẹ thay nhau đưa đón Củ đi học và thường xuyên động viên em theo đuổi ước mơ cùng con chữ. Biết được hoàn cảnh và nghị lực của em Mùa A Củ, Ðồn Biên phòng Mường Nhà đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ em Củ từ lúc em vào lớp 1 đến hết lớp 12.

Ðại úy Ðặng Văn Nam, Chính trị viên phó Ðồn Biên phòng Mường Nhà cho biết: Chương trình “Nâng bước em đến trường” là một chương trình rất ý nghĩa, thiết thực, góp phần thắt chặt hơn tình quân dân nơi biên giới. Trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ, Ðồn Biên phòng Mường Nhà đã phối hợp với các trường trên địa bàn để nắm bắt những trường hợp học sinh nghèo, hoàn cảnh éo le có nghị lực vươn lên trong học tập, từ đó bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh để các em đến trường theo đuổi ước mơ của mình. Thời gian tới, Ðồn Biên phòng Mường Nhà sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả chương trình trên địa bàn được giao quản lý.

Hiện nay, các đơn vị trong lực lượng BÐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 83 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập, trong đó có 8 học sinh người Lào ở các bản giáp biên giới Việt - Lào, với tổng số tiền hỗ trợ là 498 triệu đồng/năm. Mỗi đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh nhận đỡ đầu 2 em, các phòng, ban, văn phòng, đơn vị trong lực lượng nhận đỡ đầu 2 em, các đồn biên phòng tuyến Việt - Lào nhận đỡ đầu ít nhất 1 em ở bản kết nghĩa đối diện.

Ðồn Biên phòng Thanh Luông là đơn vị điển hình trong thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” của BÐBP tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, Ðồn đã nhận đỡ đầu 13 học sinh nghèo vượt khó. Trung tá Ðặng Văn Chiến, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Thanh Luông cho biết: Theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh, mỗi đơn vị trên tuyến biên giới Việt - Lào nhận đỡ đầu ít nhất 1 em ở bản kết nghĩa đối diện, nhưng các bản ở nước Lào trên tuyến do Ðồn quản lý nằm cách xa biên giới nên đơn vị không thể kết nối, thực hiện hỗ trợ được. Hiện nay, đơn vị đang hỗ trợ 13 em, với mức kinh phí gần 80 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí này một phần là do cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp, phần còn lại do Ðồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top