TP. Ðiện Biên Phủ

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi

09:28 - Thứ Tư, 18/04/2018 Lượt xem: 7151 In bài viết
ĐBP - Thành phố Ðiện Biên Phủ có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Kinh. Hiện nay, thành phố còn 52 hộ nghèo người dân tộc thiểu số (chiếm 0,36%) và 33 hộ cận nghèo (0,23%). Những năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 - 2017.

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, Thành ủy, UBND thành phố Ðiện Biên Phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc phù hợp với tình hình, đặc điểm địa bàn. Trong đó tập trung tổ chức hiệu quả các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng dạy, học đối với giáo viên và học sinh toàn thành phố nói chung, giáo viên và học sinh dân tộc nói riêng. Theo báo cáo của UBND thành phố, tính đến năm học cuối giai đoạn (2016 - 2017), thành phố có tổng số 35 trường học, 359 lớp, 10.082 học sinh. So với năm học đầu giai đoạn (2010 - 2011) tăng 3 trường, 48 lớp, 2.738 học sinh; trong đó tổng số trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số tăng từ 658 lên 851 cháu, học sinh cấp tiểu học từ 941 tăng lên 1.125, cấp THCS tăng từ 581 lên 628 học sinh; tổng số cán bộ quản lý, giáo viên (3 cấp) là người dân tộc thiểu số từ 50 tăng lên 73 người.

Phòng Giáo dục và Ðào tạo thành phố đã phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền các xã, phường trên địa bàn triển khai kịp thời chế độ, chính sách của Nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số, góp phần giúp các em có đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu phục vụ học tập. Từ năm 2010 - 2017, có 3.146 trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi được hỗ trợ bữa ăn trưa theo Quyết định 60/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí 1,726 tỷ đồng. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 theo Nghị định 86/2015/NÐ-CP của Chính phủ, thành phố Ðiện Biên phủ đã giải quyết cho 5.430 trường hợp được giảm 70% (kinh phí trên 509 triệu đồng), 30 trường hợp được giảm 50% (1,88 triệu đồng) và hỗ trợ chi phí học tập cho 613 học sinh với số tiền trên 275 triệu đồng. Ðặc biệt, thành phố đã thực hiện tốt 2 đề án: Ðề án Phổ cập cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định 239/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 1.834 trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa với tổng số tiền 1,025 tỷ đồng và Ðề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 theo Quyết định 2123/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ 5 học sinh số tiền 10,4 triệu đồng. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số cũng luôn được coi trọng; các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ. Hiện nay, 100% cán bộ quản lý và giáo viên người dân tộc thiểu số đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn nghề nghiệp; 32,6% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp thành phố. Cùng với đó, ngoài việc tranh thủ, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, thành phố cũng tích cực triển khai công tác vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa giáo dục, góp phần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích phụ huynh và học sinh là người dân tộc thiểu số về vai trò, ý nghĩa của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển con người, cộng đồng và xã hội.

Triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chế độ, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi như: Chính sách về phát triển hệ thống trường lớp học, tăng cường trang thiết bị dạy và học hiện đại; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí cho học sinh, chế độ đối với giáo viên người dân tộc thiểu số... đã góp phần động viên đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến; tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số đến trường, nâng cao chất lượng học tập, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục của thành phố nói chung, địa bàn dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được củng cố và phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Ðặc biệt là tại 2 xã Thanh Minh và Tà Lèng, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, không có học sinh dân tộc thiểu số bỏ học. Thống kê chất lượng cấp THCS năm học 2016 - 2017 trên địa bàn thành phố: Học sinh dân tộc thiểu số xếp loại hạnh kiểm khá, tốt chiếm 23,2% tổng số (tăng 3,7% so với năm học 2010 - 2011), xếp loại trung bình chiếm 0,6% (giảm 1,5%); học sinh dân tộc thiểu số đạt học lực khá, giỏi chiếm 11,86% (tăng 4,33%); 100% tốt nghiệp THCS, trong đó 98,2% tuyển mới vào THPT và bổ túc THPT, 1,7% đi học trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Kết quả đó góp phần quan trọng đối với việc xây dựng 28 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 13 trường so với năm học 2010 - 2011); 100% xã, phường trên địa bàn thành phố đạt phổ cập trẻ em 5 tuổi; thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS mức độ III.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top