Ở trường bán trú thật vui

08:44 - Thứ Năm, 03/05/2018 Lượt xem: 6687 In bài viết
ĐBP - Ðó là suy nghĩ của đa số các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú cấp tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Với mô hình này, các em được học tập, ăn ngủ luôn tại trường dưới sự dạy dỗ, chăm sóc của các thầy, cô giáo; do vậy, ở bán trú sẽ rất thuận lợi cho các em rèn luyện ý thức học tập cũng như việc sinh hoạt nề nếp và kỹ năng sống…

Với một huyện vùng sâu, vùng xa như Nậm Pồ, giao thông luôn là rào cản ngăn bước các em tới trường; con đường đến trường của các em không thể tính bằng cây số mà tính bằng ngày, bằng buổi. Do đặc thù của địa hình miền núi đi lại khó khăn, nhìn mái trường nhấp nhô ở phía trước nhưng cũng phải mất nhiều giờ đi bộ mới tới nơi.

 

Nhân viên cấp dưỡng Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Hỳ chuẩn bị bữa ăn tối cho học sinh bán trú.

Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBTTHCS) Nà Hỳ, xã Nà Hỳ là một trong những đơn vị triển khai mô hình bán trú đầu tiên của huyện Nậm Pồ. Ðiều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất khi đến ngôi trường này là các em học sinh người Mông, Thái nơi đây rất tự tin và lễ phép. Thầy giáo Phạm Quốc Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học 2017 - 2018, trường có 614 học sinh, trong đó 376 học sinh ở bán trú, được sống trong môi trường tập thể các em tự tin hơn rất nhiều; khi gặp người lạ không còn lẩn tránh, ngại giao tiếp như trước, ngược lại các em mạnh dạn, chủ động làm quen và thích tham gia các hoạt động tập thể, trong lớp hăng hái phát biểu xây dựng bài. Trước đây, khi chưa có mô hình trường học bán trú, các em đi học rất vất vả, thậm chí nhiều em phải thuê trọ hoặc cha mẹ dựng nhà tạm gần trường để con em ăn ở, học tập, sinh hoạt. Cái tuổi mà lẽ ra vẫn được cha mẹ chăm bẵm thì các em đã phải tự đi lấy củi, nấu cơm sau mỗi giờ lên lớp, bữa ăn cũng không có gì ngoài cơm và muối ớt hoặc vài cọng rau rừng. Bây giờ đã khác, sau mỗi buổi học, thay vì phải “ngược sơn” về bản hoặc về lán trại kiếm củi, thổi cơm thì nay các em được ở tại trường trong những căn phòng sạch sẽ có đủ điều kiện học tập, sinh hoạt và được nhà trường nấu cơm hàng ngày. Buổi trưa ăn cơm xong các em được nghỉ ngơi, chiều lên lớp học; buổi tối từ 19 giờ 30 phút - 21 giờ các em tự học dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo; em nào học yếu, không theo kịp thì giáo viên kèm cặp thêm.

Trong căn phòng bán trú sạch sẽ gọn gàng, em Lầu A Chính, học sinh lớp 8A3, Trường PTDTBTTHCS Nà Hỳ, tâm sự: Nhà em ở bản Nậm Chua 2, cách trường 20km nên cuối tuần em mới về nhà; ở trường, ngoài học tập chúng em được thầy, cô hướng dẫn vui chơi và dạy kỹ năng sống, điều mà em không thể có nếu ở nhà. Ðặc biệt, chúng em còn được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước 15kg gạo và 520 nghìn đồng/tháng; được nhà trường tổ chức nấu cơm cho ăn hàng ngày, ăn cơm ở trường ngon hơn ở nhà”. Còn em Tẩn A Lâu, học sinh lớp 5A, Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nà Hỳ 2 thì cho rằng, ở trường bán trú trao đổi học tập với bạn bè dễ dàng hơn, bài nào khó có thể nhờ thầy cô gợi ý, đặc biệt có nhiều thời gian để học tập, vui chơi, nghỉ ngơi…

Mô hình trường học bán trú, học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được cấp gạo và tiền ăn hàng tháng. Thực đơn bữa ăn hàng ngày của các em được các trường ghi lên bảng công khai, đồng thời lưu mẫu thức ăn hàng ngày; nhân viên cấp dưỡng được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ. Ngoài dạy học trên lớp, thầy cô giáo các trường bán trú còn tận dụng khuôn viên trong trường, nguồn thức ăn dư thừa của nhà bếp để tăng gia sản xuất, vừa cải thiện bữa ăn vừa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: Hiện toàn huyện có 26/37 trường có học sinh ăn ở bán trú; tổ chức nấu ăn cho trên 13 nghìn học sinh mỗi ngày. Nhờ mô hình trường học bán trú, chất lượng giáo dục của huyện tăng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt từ 96% trở lên; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99,9%; tỷ lệ xét công nhận tốt nghiệp THCS đạt 100%.

Có thể thấy rằng, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú như một luồng gió mới giúp học sinh vùng cao Nậm Pồ có cơ hội đến trường, được thường xuyên giao tiếp tiếng phổ thông, hình thành nề nếp trong học tập, lao động và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Ðặc biệt, các em không còn phải trèo đèo, lội suối trên con đường từ nhà tới trường trong những ngày nóng bức hay mùa đông giá rét.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top