Ðể trẻ khuyết tật được hòa nhập trong trường học

08:51 - Thứ Sáu, 04/05/2018 Lượt xem: 9832 In bài viết
ĐBP - Chăm sóc trẻ khuyết tật là nhiệm vụ của toàn xã hội. Ðối với ngành Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên, công tác này còn quan trọng hơn, vì số trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh hầu hết đang tham gia học tập tại các trường học. Ðể các em hòa nhập với bạn cùng trang lứa và có thể tiếp thu kiến thức học tập, những năm qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã thực hiện nhiều chính sách quan tâm đặc biệt với trẻ khuyết tật. 

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 1.112 trẻ khuyết tật đang theo học tại các trường được thụ hưởng chính sách theo Thông tư số 42/2013 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật. Các em thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau, như: Khuyết tật vận động, khuyết tật bộ phận (khiếm thị, câm, điếc, rối loạn phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ…). Ngoài được miễn, giảm học phí, trẻ khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục còn được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ bản và hỗ trợ kinh phí mua đồ dùng học tập với mức 1 triệu đồng/người/năm học.

 

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Vàng Ðán hướng dẫn học sinh khuyết tật học tập cùng các bạn trong lớp.

Chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Vàng Ðán, xã Vàng Ðán (huyện Nậm Pồ) trong giờ học. Bước qua các phòng học, chúng tôi thấy các em học sinh khuyết tật đang chăm chú ngồi học như bao học sinh khác. Các giáo viên dạy bộ môn ngoài giảng dạy trên bảng, còn quan tâm trực tiếp hướng dẫn và chăm sóc đặc biệt đối với các em học sinh khuyết tật. Cô giáo Trịnh Thị Thơm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường hiện có 8 học sinh khuyết tật, trong đó các em đều thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng. Bên cạnh đó, gia đình đều thuộc diện hộ nghèo trong xã, nên không có điều kiện chăm sóc cho các em đầy đủ. Trước đây các em chưa được gia đình cho đi học, nhưng từ khi giáo viên vào từng nhà vận động, các em đã được gia đình cho theo học để hòa nhập với các bạn và phát triển trí tuệ tốt hơn”.

Như trường hợp em Lý Vùng Cây, 6 tuổi, trú tại bản Huổi Khương, xã Vàng Ðán, bị dị tật mắt phải bẩm sinh, Cây chỉ nhìn được bằng một mắt nhưng thị lực rất kém. Trước đây gia đình chưa cho Cây đến trường nên em khá nhút nhát, tự ti. Từ năm học 2017 - 2018, Cây được theo học lớp 1 tại Trường PTDTBT tiểu học Vàng Ðán. Sau một thời gian theo học em bắt đầu bạo dạn hơn và nhanh chóng hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Chia sẻ với chúng tôi, Cây nói: “Ở trường học em được các cô giáo dạy bảo kiến thức, được chơi với các bạn nên em rất vui, vì thế em thích đến trường mỗi ngày”.

Em Mùa A Mong, 9 tuổi, bản Ham Song 2, xã Vàng Ðán, bị câm, điếc bẩm sinh thì việc được đến trường như bắt đầu một cuộc sống tươi sáng trở lại. Ðến đón cháu sau giờ tan học, ông Mùa A Lừ (ông của Mong) phấn khởi, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi để cháu ở nhà và luôn có người phải theo sát để chăm sóc. Gia đình chưa bao giờ dám nghĩ cháu có thể đi học được. Thế nhưng từ khi được giáo viên vận động, gia đình tôi cho cháu đi học. Từ khi theo học, cháu bỗng nhanh nhẹn, vui vẻ, hay chơi đùa và ăn, ngủ tốt hơn; khả năng giao tiếp của cháu cũng dần được cải thiện. Bên cạnh đó, với số tiền hỗ trợ hàng tháng của cháu cũng phần nào đã giúp gia đình có điều kiện chăm sóc cho cháu đầy đủ, đảm bảo hơn”.

Với các chính sách quan tâm đặc biệt, cùng sự tích cực vận động, giúp đỡ của cán bộ, giáo viên các trường, những năm gần đây, trẻ khuyết tật cùng gia đình đã dần gỡ bỏ rào cản mặc cảm và cho con em đến trường để các em có thêm niềm vui, bớt tự ti và được tiếp cận tri thức. Ðược biết, ngoài các chính sách hỗ trợ, hiện nay trẻ khuyết tật đến trường còn được các trường hỗ trợ mua bảo hiểm nhân thọ đến khi vượt cấp. Ðiều này không những tiếp thêm động lực để gia đình cho trẻ đi học mà còn bảo đảm cho trẻ được bình đẳng như các trẻ em khác trong môi trường giáo dục. Vì thế các bậc phụ huynh những gia đình có trẻ khuyết tật nên tin tưởng và gửi gắm con em theo học, để trẻ khuyết tật có thêm nhiều kiến thức và đặc biệt là bớt mặc cảm, vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top