Phân luồng học sinh sau THCS hiệu quả

Cần giải pháp đồng bộ

09:33 - Thứ Tư, 23/05/2018 Lượt xem: 6401 In bài viết
ĐBP - Việc phân luồng học sinh sau THCS nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc THPT, đồng thời để những học sinh có lực học hạn chế có thể tìm hướng đi phù hợp cho mình. Thế nhưng, thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh công tác này đang gặp phải không ít những khó khăn, thách thức. Ðể công tác phân luồng học sinh sau THCS thực sự có hiệu quả cần có giải pháp phù hợp cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành...

Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đặt mục tiêu: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6% vào năm 2020; phấn đấu đến 2020, tỷ lệ dân số 15 - 18 tuổi học THPT và tương đương (bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề…) đạt 70% trở lên. Thực hiện mục tiêu đó, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tập trung thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Ðào tạo, cho biết: Thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục trung học; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Các cơ sở giáo dục tập trung tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp phụ huynh và học sinh nhận thức đúng đắn hơn việc học tập và cơ hội học tập, làm việc; tự đánh giá đúng khả năng học tập của bản thân, nhu cầu lao động xã hội và hoàn cảnh gia đình để chọn hướng đi cho phù hợp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hệ sau tốt nghiệp THCS còn thấp; số học sinh học xong THCS ở nhà lao động sản xuất nông, lâm nghiệp, lao động tự do còn nhiều. Năm 2017, toàn tỉnh có 8.955 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 380 em (chiếm 4,2%) theo học trung cấp nghề, chưa đạt so với yêu cầu đặt ra.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Kiên, khó khăn đó là do công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh của một số trường THCS, một số cơ sở đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả nên chưa thu hút được người học; số nghề đào tạo không nhiều, chất lượng đào tạo nghề của một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Số học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề kỹ năng làm việc và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc còn hạn chế dẫn đến thường khó tìm được việc làm. Ngoài ra, chưa có sự gắn kết giữa các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất với các cơ sở đào tạo; học sinh sau khi học nghề chưa có ý thức vươn lên khởi nghiệp tự tạo việc làm.

Không chỉ vậy, nhận thức của người dân và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Một bộ phận lớn phụ huynh vẫn muốn con em sau khi tốt nghiệp THCS sẽ tiếp tục học THPT và vào học các trường cao đẳng, đại học, không muốn vào trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề mặc dù năng lực và kết quả học tập của con, em chưa đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Ông Lò Văn Toản, bản Na Pheo 2, xã Na Sang (huyện Mường Chà), phụ huynh học sinh, cho biết: Sau khi học xong THCS gia đình không định hướng học nghề bởi các cháu thể lực, thể hình còn nhỏ, nhận thức về xã hội chưa đầy đủ nên ảnh hưởng đến ý thức tổ chức kỷ luật, khả năng tiếp thu và vận dụng các kỹ năng lao động cơ bản trong trường nghề. Thực tế cũng cho thấy học nghề xong cơ hội việc làm không cao hoặc có cũng chỉ là những công việc hết sức vất vả với mức thu nhập thấp. Hơn nữa, sau này muốn học cao thêm để nâng cao trình độ tay nghề sẽ rất khó khăn với trình độ THCS. Vì vậy, đại đa số phụ huynh vẫn lựa chọn tấm bằng tốt nghiệp THPT là hành trang quan trọng cho con em mình bước vào đời chứ không phải việc học nghề. 

Ðể công tác phân luồng học sinh sau THCS thực sự có hiệu quả, cần có nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó ngành GD&ÐT phối hợp cùng toàn bộ hệ thống chính trị theo chức năng nhiệm vụ cùng tham gia việc nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình và học sinh, giúp các em lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện thực tế của gia đình và nhu cầu của xã hội. Từng bước đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo, theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm nhu cầu nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp, thị trường lao động của tỉnh và các tỉnh lân cận. Ðẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phân tích để học sinh nhận thức được năng lực học tập của bản thân, cùng với thực trạng nhu cầu lao động xã hội để chọn hướng đi cho phù hợp.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top