Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp phát triển giáo dục - đào tạo

09:02 - Thứ Tư, 30/05/2018 Lượt xem: 7975 In bài viết
Chiều 29-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo (UBQG), Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (HĐQG) đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của UBQG và HĐQG.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch UBQG và HĐQG; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, mong muốn các thành viên UBQG và HĐQG tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng không chạy theo thị trường. Phát triển kinh tế là cần thiết, cũng là phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân, trong đó có lĩnh vực giáo dục và y tế bởi đây là nền tảng của sự phát triển. Trong hội nhập quốc tế sâu rộng, không thể thiếu giáo dục.

 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Chúng ta cần khẳng định thành quả giáo dục Việt Nam trong những năm qua, thể hiện tầm nhìn sáng suốt, xuyên suốt của Đảng ta. Chúng ta cũng vui mừng vì người Việt Nam rất hiếu học. Qua những cuộc thi nhiều năm liền, học sinh Việt Nam thông minh, chịu khó, đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi quốc tế. Đây chính là vốn quý mà chúng ta cần khơi dậy, có cách làm tốt để huy động chất xám cho phát triển đất nước. Do đó, chính sách thu hút nhân tài là hết sức quan trọng. Dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, không khí đổi mới giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đang diễn ra sôi động. Do đó, Bộ GD-ĐT cần nắm bắt thời cơ để thúc đẩy áp dụng công nghệ mới trong giảng dạy, gắn đào tạo nghiên cứu với thực tiễn, gắn đào tạo với công nghệ; cần "xóa mù" cả trong giáo dục công nghệ vốn rất cần thiết cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh, công dân toàn cầu... Giáo dục người lớn phát huy tinh thần học tập suốt đời; không được có tâm lý chủ quan, thỏa mãn; nếu không học tập, không phấn đấu thì sẽ là trì trệ. Chúng ta cần chống lại sự trì trệ, kém sáng tạo. Chính vì vậy, phương pháp dạy và học cần thay đổi; coi trọng phương pháp học, kỹ năng học là cần thiết.

Thủ tướng cũng nêu một số hướng điều hành trong phát triển giáo dục, trong đó, vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên là rất quan trọng. Theo đó, cần quy hoạch lại cơ sở các trường sư phạm; quan tâm chất lượng đào tạo, chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên; đẩy mạnh tuyên truyền truyền thống "Tôn sư trọng đạo", đổi mới phương pháp giảng dạy; coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên định kỳ. Phát triển đội ngũ giáo viên, phát triển cơ sở đào tạo giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp thu cái mới... bởi điều này quyết định chất lượng giáo dục.

Thủ tướng nêu rõ, cần coi trọng vấn đề gắn giáo dục với khởi nghiệp. Do đó, sớm đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường vấn đề khởi nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn, nhất là ươm mầm khởi nghiệp trong giáo dục đại học. Vấn đề xét duyệt chức danh GS, PGS, Thủ tướng cho rằng cần tăng cường xét duyệt chặt chẽ hơn; đòi hỏi chất lượng các tiêu chí cao hơn kể cả đối với ứng viên và các thành viên và hội đồng xét duyệt; tăng cường minh bạch, công khai, không để xảy ra điều tiếng... Về vấn đề tự chủ đại học, Thủ tướng cho rằng cần có những bước đi và cách làm hết sức chặt chẽ, thận trọng. Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, có cách hiểu thống nhất, trên tinh thần hướng tới cách tiếp cận mới, áp dụng tự chủ đại học, trước hết chọn một số trường đại học tự chủ, cần có số lượng cần thiết để áp dụng thí điểm, từ đó nhân rộng mô hình.

Về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề khó. Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, bảo đảm yêu cầu giảm tải khoa học, thiết thực, hiệu quả, khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân biên soạn chương trình SGK mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ... cần hỗ trợ Bộ GD-ĐT về phát triển đội ngũ giáo viên, chương trình đổi mới SGK...

Thủ tướng lưu ý vấn đề số hóa dữ liệu phục vụ trong chỉ đạo, điều hành của UBQG và HĐQG. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên UBQG và HĐQG, trong đó Bộ GD-ĐT với tư cách là Ủy viên Thường trực UBQG và HĐQG, cần nỗ lực, cố gắng không ngừng, trên tinh thần trách nhiệm đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top