Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Chưa dẹp được bệnh thành tích trong giáo dục

10:47 - Thứ Tư, 06/06/2018 Lượt xem: 6674 In bài viết
Trên 80 ĐBQH đăng ký chất vấn, tranh luận khiến hệ thống máy bị “treo”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các ĐB liên tục phải di chuyển lên bục để tiến hành phiên chất vấn.

Sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rất sôi động, trên 80 ĐBQH đăng ký chất vấn, tranh luận khiến hệ thống máy bị “treo”, Bộ trưởng và các ĐB liên tục phải di chuyển lên bục để tiến hành phiên chất vấn.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 6-6-2018.

Giáo dục đại học vẫn yếu kém

ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn: HS-SV Việt Nam đi học nước ngoài ngày càng nhiều, nhiều trường quốc tế mở ở Việt Nam, học phí mỗi năm trả từ 400 - 550 triệu đồng. Bộ trưởng suy nghĩ gì?

 

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình).

Bộ trưởng trả lời, ngân sách dành 20% đề đầu tư cho giáo dục, nhưng chất lượng còn hạn chế, vì thế sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực GD-ĐT là xu thế của nhiều quốc gia. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề này cũng rất rõ. Theo thống kê, hàng năm số HS-SV ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng cũng lớn, chi phí khoảng 3-4 tỷ USD. Làm sao để thu hút học sinh, gia đình có điều kiện cho con em học ngay ở trong nước với chất lượng cao?

Theo Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ cơ chế khuyến khích các tập đoàn lớn cho GD với yêu cầu chất lượng cao. Ngân sách Nhà nước chỉ lo cho giáo dục cơ bản, đầu tư cho vùng sâu vùng xa, còn tăng đóng góp cho khu vực tư nhân đối với GD chất lượng cao. Đây là chủ trương đúng, sửa Luật Giáo dục Đại học lần này cũng rất khuyến khích xã hội hóa giáo dục.

ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội) chất vấn 200.000 sinh viên thất nghiệp khi tốt nghiệp, rất lãng phí, giải pháp nào? 

Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp phải là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo. Trách nhiệm của ngành giáo dục là nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đại học tới đây phải tăng trách nhiệm của mình với xã hội trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, còn Bộ GD-ĐT tăng hậu kiểm, không quá quản đầu vào đại học, thay vào đó quản chặt đầu ra.

ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn trả lời lần trước, Bộ trưởng cũng đã hứa giải quyết tình trạng sinh viên thất nghiệp, nay đã giải quyết được gì? Tuyển sinh sư phạm mà 3 điểm/môn thì có thể dẫn đến điều gì?

Trả lời, Bộ trưởng cho biết đã trình Chính phủ phương án sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm, trường nào yếu kém quá phải dừng đào tạo.

 

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội).

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì kết quả giáo dục phổ thông rất ấn tượng, nhưng giáo dục đại học Việt Nam thì lại thấp.

Việt Nam có hơn 300 trường đại học nhưng chỉ có 5 trường lọt vào xếp hạng của châu Á?  Đại học Việt Nam đang đứng ở đâu?

Theo Bộ trưởng, giáo dục phổ thông mặt này mặt khác nhưng cơ bản yên tâm. Còn chất lượng giáo dục đại học thấp, không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là trong cuộc cách mạng 4.0. 

Nguyên nhân chủ yếu là ở ngành giáo dục. Các trường vẫn đang dạy những gì mình có, không phải đào tạo cái thị trường cần. Chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp. Cơ sở vật chất cũng còn khó khăn. Chi phí đào tạo cho sinh viên thấp. Với thực trạng đó thì cũng khó mong chất lượng giáo dục đại học cao. Vì thế tới đây phải tính lại đầu tư, không bình quân, dàn trải mà phải có trọng tâm trọng điểm, trường nào yếu kém cho sáp nhập, giải thể. Cùng với đó tăng tự chủ của trường đại  học.

“So với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học Việt Nam còn thấp. Ở khu vực châu Á chỉ có 5 trường được vào xếp hạng. Việt Nam đứng ở vị trí 187/194  quốc gia có trường đại học lọt tốp 1.000 đại học thế giới. Bộ GD-ĐT tới đây tăng cường hậu kiểm định để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trình Chính phủ đầu tư cho một số trường trọng điểm”, Bộ trưởng cho hay.

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) hỏi: Những trường đại học kém chất lượng, không tuyển sinh được thì tính sao?

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết cả nước có 235 trường đại học, không kể các trường công an, quân đội. 60 trường tư thục, 5 trường quốc tế.  Trong số các trường tư thục có một số trường yếu kém, không tuyển sinh được, hiện bộ đã rà soát 25 trường. Theo quy hoạch, những trường này có lộ trình 2-3-5 năm nếu không tuyển sinh được thì phải đóng cửa, giải thể.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng nhiều giảng viên đại học dạy chay, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học?

Bộ trưởng cho biết có tình trạng đó, dù hiện nay các trường đại học đã đầu tư nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Cũng chưa tạo được môi trường thực sự để thu hút hiền tài cho đại học. Bộ đã ban hành chuẩn giảng viên đại học, theo đó phải có nghiên cứu khoa học. Cố gắng phấn đấu giảng viên có trình độ tiến sĩ phải đạt 25-30%. Nhà nước hỗ trợ về chính sách và học bổng cho đào tạo tiến sĩ, còn các trường đại học phải tự làm.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cũng cho rằng, chưa có lộ trình để các trường đại học tự chủ hoàn toàn, nhất là không còn cơ chế bộ chủ quản, Bộ GD-ĐT lúc đó chỉ thuần túy là quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng cho hay, vừa qua có 23 trường thí điểm tự chủ đại học, tới đây có Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học, thí điểm các trường đại học công được tự chủ cao hơn, tăng tính trách nhiệm giải trình. Đã xin Chính phủ thí điểm 3 trường không còn cơ quan chủ quản. Lộ trình tự chủ đại học sẽ được làm chắc chắn.

Nạn chuẩn giả, thành tích trong giáo dục

ĐB Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho rằng, giấy khen ở nhà trường đang mất giá trị vì khen thưởng quá nhiều, đó là biểu hiện rõ nhất của bệnh thành tích. Khắc phục ra sao để giáo dục phải thực chất?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, bệnh thành tích có từ lâu, ngành giáo dục nói không với thành tích nhưng do thói quen, tâm lý, điều kiện địa phương.. nên vẫn chưa dẹp được bệnh thành tích trong giáo dục. Bộ GD-ĐT đã tinh giản nhiều cuộc thi mang tính thành tích; hạn chế đăng ký thi đua; chỉ khen thưởng những giáo viên có thành tích đổi mới, sáng tạo. Bệnh thành tích còn nhiều trong ngành giáo dục, sẽ phải quyết liệt khắc phục.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về vấn nạn chuẩn giả trong giáo dục, trường không đạt chuẩn  kiểm định nhưng vẫn được công nhận, hoặc cho phép nợ chuẩn. Có tình trạng học sinh học lệch, một số môn không học phải “mua điểm”.

Bộ trưởng thừa nhận tình trạng “nợ chuẩn” trường học khi xét đạt nông thôn mới. Bộ tới đây sẽ  làm mạnh khâu kiểm định, bỏ dần việc nợ chuẩn.  Tình trạng học sinh học tủ học lệch diễn ra từ lâu, nhất là ở trường chuyên. Bộ GD-ĐT không đồng tình điều đó, vì giáo dục phổ thông phải là toàn diện, chú trọng dạy làm người, không khải học để đi thi. Bộ sẽ tăng cường giám sát điều này.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, không chỉ ở nông thôn mà ngay thành phố có hiện tượng nợ chuẩn đó. “Bộ trưởng có thể đi cùng tôi ra ngay kia. Chuẩn quốc gia gì mà thiếu lớp, thiếu sân chơi, sân thể thao chỉ tập trung được dăm em học sinh. Chúng ta nói đạt chuẩn nhưng không có gì đạt chuẩn”, ĐB Cương nói. Hay chuyện học tủ học lệch, bố mẹ phải “nộp tiền” đủ môn cho con: “học sinh chúng sẽ nghĩ gì”?

Trả lời, Bộ trưởng thừa nhận, ngay Hà Nội nhiều trường chưa đạt chuẩn vì sĩ số lớp quá đông. Khi xét chuẩn nông thôn mới, có tình trạng nhiều nơi xin nợ chuẩn về trường học, Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng không để tình trạng nợ chuẩn đó.

ĐB Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) hỏi: Mất bao lâu để đi hết con đường quá độ của đổi mới giáo dục? Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng dự kiến sẽ đạt bao nhiêu %? 

Bộ trưởng cho rằng, giáo dục liên quan đến con người nên đổi mới không thể nóng vội được, phải có quá độ, lộ trình, không thể cứ thấy nóng, thấy bí là đổi mới ngay được, vì liên quan đến rất nhiều người, nhiều vấn đề. Ví dụ đổi mới thi cử cũng phải dần dần, có lộ trình. Giáo dục chắc chắn phải chuyển đổi, nhưng từng bước. Hiện nay đã phổ cập được mầm non 5 tuổi, giáo dục phổ thông cũng đang dần đổi mới.

Cho rằng, chưa thể trả lời nhiệm kỳ này làm được bao nhiêu nhưng Bộ trưởng khẳng định từng mốc cụ thể phải có kết quả.  Về giáo dục phổ thông sẽ phải đổi mới chương trình, hiệu quả rõ rét, còn đại học phải bảo đảm được tự chủ. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Bộ trưởng tin nhiệm kỳ của mình sẽ có chuyển biến rõ nét trong đổi mới giáo dục.

Bức xúc bạo hành trẻ mầm non

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn, Bộ trưởng nói giáo dục mầm non được UNICEF đánh giá cao, ai đánh giá cao thì tôi không rõ nhưng đó đang là vấn đề nóng, bức xúc. Giáo dục mầm non quy mô lớn, hệ thống chưa đồng bộ, đầu tư chưa thỏa đáng, tỷ lệ chi cho giáo dục mần non thì Nhà nước chỉ chi 31%, gia đình chi 69%. Xã hội rất bức xúc về giáo dục mầm non, giải pháp nào?

Bộ trưởng cho biết, cả nước có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, 337.000 giáo viên. Về cơ sở đa số giáo viên mầm non yêu nghề mến trẻ, nhưng có một bộ phận bạo hành trẻ, nhất là ở các nhóm trẻ độc lập, báo chí đã nêu, xã hội không thể chấp nhận được. Tôi cũng cương quyết phản đối, chỉ đạo đình chỉ các cơ sở đó, thậm chí giải thể, đưa ra khỏi ngành những giáo viên  bạo hành trẻ. Có nhiều giải pháp để ngăn chặn, nhưng căn cơ là giáo viên, giáo viên phải được bồi dưỡng thường xuyên, chế độ cũng phải nâng lên. Lương giáo viên mầm non thấp, chủ yếu hệ trung cấp, lương ra trường chỉ 2,4 triệu đồng/tháng, rất khó khăn.

 

ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng còn vấn nạn chuẩn giả, mua điểm.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, hệ thống trường mầm non còn thiếu, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì thế phải tăng hệ thống mầm non ngoài công lập -nơi vừa qua diễn ra nhiều vụ bạo hành trẻ.

Đây là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và của xã hội mà người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng cả ngành giáo dục, các địa phương cùng cả hệ thống phải cùng chung tay để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đầu tư cho bậc học này, hạn chế những yếu kém mà xã hội bức xúc.

ĐBQH cũng chất vấn về vấn đề đạo đức giáo viên có vấn đề mà vừa qua xã hội rất đau lòng, Bộ trưởng thừa nhận, báo chí đưa lên cũng chưa đủ, thực tế còn nhiều vụ việc nữa, có những hành vi phi nhân tính. Ví dụ giáo viên lên lớp không nói trong suốt mấy tháng trời, cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ...Đó là những việc không thể chấp nhận.

Chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng này, trong đó có nguyên nhân công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn chưa chú trọng dạy đạo đức. Thừa-thiếu giáo viên chưa được giải quyết gây quá tải cho giáo viên.  Chế độ chưa thỏa đáng..,Bộ trưởng khẳng định ngành giáo dục nhận trách nhiệm về vấn đề này và sẽ khắc phục trong thời gian tới, trong đó chương trình giáo dục phổ thông mới tăng cường dạy đạo đức cho học sinh; đào tạo sư phạm chú trọng đạo đức, nhân phẩm giáo viên; tham mưu Chính phủ có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho giáo viên.

Vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, trách nhiệm là của cả hệ thống, cộng đồng, của cả xã hội, chứ không riêng ngành giáo dục.

“Xảy ra những vụ việc giáo viên như thế, địa phương ở đó có biết không, nhà trường, phụ huynh có biết không, đó là trách nhiệm của tất cả”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top