Giáo dục Nậm Pồ

Những chặng đường phát triển

09:22 - Thứ Sáu, 22/06/2018 Lượt xem: 5973 In bài viết
ĐBP - Cùng với kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, trải qua 5 năm dựng xây, hệ thống giáo dục Nậm Pồ đã có nhiều tiến bộ… Ðể đạt được thành tựu ấy, những người thầy, người cô vẫn thầm lặng “chèo đò” miệt mài với công cuộc đưa từng con chữ, viên gạch lên non, nơi những điểm trường nằm heo hút dưới đại ngàn.

 

Tiết học của thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Chà Tở, xã Chà Tở.

Về với Nậm Pồ, nơi mảnh đất heo hút gió ngàn của những cung đường biên viễn, uốn lượn theo triền núi, quanh năm sương trắng phủ mờ; những ngôi nhà người Thái, người Mông nằm cheo leo trên những đỉnh núi. Nơi đó đã có biết bao thầy, cô giáo dành cả tuổi thanh xuân, ước mơ, hoài bão miệt mài “gánh” con chữ đến với học sinh. Là người góp phần đặt nền móng cũng như gánh vác trọng trách chèo lái “con đò” đưa nhiều thế hệ học sinh Nậm Pồ cập bến tương lai, thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn ban đầu của nền giáo dục huyện nhà. Bắt đầu câu chuyện bằng ly trà nóng hổi như lật từng trang ký ức, thầy giáo Thuận kể lại: Tôi còn nhớ như in, những ngày đầu khi mới đặt chân đến mảnh đất Nậm Pồ, không chỉ riêng hệ thống giáo dục mà tất cả gần như là con số “0”. Cuốc bộ trên những con đường ngoằn ngoèo, lầy lội kiểm tra các trường học lúc bấy giờ, mặc dù đã gắn bó nhiều năm với sự nghiệp “trồng người” nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng với nhiều thứ tạm bợ. Từ cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị, thậm chí nơi ăn, chốn ở của học sinh nội trú và thầy cô nhiều nơi cũng chỉ là những căn nhà dột nát, cũ kỹ chỉ cần một trận mưa là có thể cuốn phăng tất cả”. Năm 2013 - 2014 toàn huyện chỉ có 8/37 trường đủ điều kiện cho học sinh ăn ở bán trú; trang thiết bị giáo dục nghèo nàn. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp thấp, nhất là bậc học mầm non 5 tuổi và THCS, việc duy trì sĩ số, đảm bảo chuyên cần càng khó gấp bội. Số trường đạt chuẩn quốc gia khiêm tốn với 4/37 trường.

Vượt qua những thách thức ban đầu, để “vực dậy” nền giáo dục Nậm Pồ, với sự đầu tư của Ðảng và Nhà nước, thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận cùng đội ngũ lãnh đạo phòng xác định trước nhất là tự thân vận động, tận dụng tối đa những tiềm năng sẵn có của địa phương và khơi gợi sự đồng thuận của người dân, đóng góp xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, sân chơi cho học sinh. Cộng với sự nỗ lực, tâm huyết của tập thể sư phạm, tập trung “bám bản, bám trường”… bước vào năm học 2017 - 2018, hệ thống các trường mầm non, tiểu học, THCS có 834 phòng học (385 phòng kiên cố, 80 phòng bán kiên cố, 369 phòng ba cứng); 249 phòng công vụ, 472 phòng nội trú; 37/48 trường có công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 37/48 trường với tổng số 552 máy tính được nối mạng… là minh chứng rõ nhất cho sự nỗ lực, đổi mới căn bản, toàn diện và từng bước hòa nhập với nền giáo dục hiện đại của tỉnh.

Song hành với công cuộc kiến thiết, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được lãnh đạo huyện cũng như Phòng Giáo dục và Ðào tạo đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều quyết sách mang tính đột phá… Trên cơ sở, kế thừa và phát huy sự nghiệp giáo dục Mường Nhé để lại, Phòng đã tổ chức rà soát và xây dựng kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến 2020, nhằm đánh giá cụ thể thực trạng từng đơn vị trường, xây dựng lộ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn. So với những năm đầu hoạt động chỉ với 4/37 trường đạt chuẩn thì đến nay ngành Giáo dục và Ðào tạo Nậm Pồ đã có 20 trường đạt chuẩn quốc gia. Tiêu biểu như Trường Mầm non Nà Hỳ, năm học 2017 - 2018 đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Cô giáo Vi Thị Luân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Triển khai đề án xây dựng trường chuẩn với mục tiêu là tạo môi trường học tập chuyên nghiệp, đáp ứng căn bản đổi mới của giáo dục; trên cơ sở chỉ đạo của ngành và những đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đến nay cơ bản nhà trường đã được đầu tư hệ thống lớp học khang trang, sạch đẹp với 28 phòng học; trang thiết bị giảng dạy, đồ dùng, đồ chơi được đầu tư đồng bộ; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt gần 99%. 

Ðể thắp sáng sự học trên vùng đất khó, mỗi thầy cô giáo nơi đây thực sự là một tấm gương tự học, tự rèn luyện đối với học sinh; đội ngũ sư phạm các trường đã nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, không ngừng nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho sự nghiệp “trồng người”. Không chỉ là những hạt nhân ươm mầm cho bản, làng vùng cao mà hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Ðào tạo Nậm Pồ vẫn được bà con gọi với cái tên trìu mến “chiến sĩ văn hóa”… Không những đem cái chữ đến vùng cao, các thầy cô giáo còn là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đến gần hơn với bà con.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top