Đề thi và những vấn đề đặt ra cho một kỳ thi hai mục đích

15:31 - Thứ Ba, 26/06/2018 Lượt xem: 5988 In bài viết
Sau khi kết thúc hai môn thi Ngữ văn và Toán, sáng 26-6, các thí sinh Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tham gia bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên với ba môn thành phần là Vật lý, Hóa học, Sinh học. Với đề Ngữ văn được đánh giá là hay nhưng “không dễ có điểm cao” còn đề Toán thì “khó đến phát khóc”, các môn thi, bài thi còn lại chắc chắn cũng sẽ “bảo đảm phân hóa”, vì ngày càng “khó hơn” là điều thí sinh đã được báo trước.

 

Thí sinh trong phòng thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Ngoài ba môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, thí sinh được lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp, hoặc có thể đăng ký cả hai bài thi. Năm nay, số thí sinh đăng ký thi bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên là 341.576, chiếm 37% lượng thí sinh của Kỳ thi, số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội là 444.538, chiếm 43%. Có hơn 36 nghìn thí sinh đăng ký thi cả hai bài tổ hợp, chiếm 4% lượng thí sinh dự thi. Theo quy định, thí sinh đã đăng ký dự thi cả bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thì phải tham gia thi đầy đủ cả hai bài mới được xét công nhận tốt nghiệp.

Giống như những môn thi khác của Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cách ra đề của bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, tổ hợp Khoa học Xã hội được Bộ GD-ĐT chủ trương theo định hướng thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đồng thời, Bộ GD-ĐT định hướng ra đề thi theo hướng tăng cường phân hóa kết quả thi, bảo đảm yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

 

Cha mẹ ngóng đợi con trước cổng trường thi.

Đối với các môn thi, bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan thì 24 thí sinh trong một phòng thi sẽ có 24 mã đề khác nhau. Năm nay, thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như những năm trước. Bộ GD-ĐT cũng đã bổ sung vào Quy chế quy định về quy luật phát đề cho thí sinh.

Sau khi buổi thi hai môn Ngữ văn và Toán kết thúc ngày hôm qua, đánh giá sơ bộ từ phía thí sinh và giáo viên đều cho rằng đề thi có mức độ khó cao hơn hẳn so với năm ngoái. Trước đó, khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo vào tháng 1, các nhà trường và học sinh cũng đã "than" khó. Cùng với thực tế hai môn thi vừa qua, thí sinh cần chuẩn bị tâm lý các môn thi, bài thi tiếp theo sẽ không còn “dễ thở” như những năm trước đây.

Giải đáp những băn khoăn về độ khó của đề thi thời điểm trước khi diễn ra kỳ thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Sái Công Hồng đã khẳng định: Cấu trúc và tỷ lệ của đề thi không thay đổi so với mọi năm. Đề thi tiếp tục được ra theo bốn cấp độ: dễ, trung bình, khó và rất khó, và vẫn sắp xếp các câu hỏi theo mức độ từ dễ đến khó. Tuy nhiên, phần nội dung kiến thức được mở rộng theo lộ trình, như năm nay là kiến thức lớp 11, 12; những năm tiếp theo mở rộng tới kiến thức cả ba năm học. “Độ khó của những câu hỏi Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ được ra theo hướng khó về hiện tượng bản chất, khó về hiện tượng Vật lý, Hóa học... chứ không khó về tính toán. Đáng chú ý, trong những môn thành phần này sẽ bắt đầu xuất hiện các câu hỏi về thí nghiệm” – ông Hồng cho biết.

Ông Sái Công Hồng cho biết, các câu hỏi của đề thi tiếp tục được xây dựng theo tiêu chí sao cho sát thực với năng lực học sinh, độ khó dễ sát với năng lực của các em hơn đồng thời có sự tính toán phù hợp để sao cho vừa cơ bản vừa có độ phân hóa.

Có lẽ, đề thi “khó” sẽ đưa việc đánh giá học sinh về thực chất, không còn hiện tượng “cơn mưa điểm 10”, giúp việc phân loại thí sinh tốt hơn. Năm nay, các giáo viên qua đánh giá đề thi cũng cho rằng việc phân loại thí sinh khá, giỏi rất rõ, sẽ giúp cho mục đích xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng… đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thì vẫn còn nhiều ý kiến như liệu có cần ra đề quá khó, tạo nên nhiều lo lắng với mục đích xét tốt nghiệp THPT? Và như vậy, một kỳ thi với hai mục đích bắt đầu bộc lộ những nhược điểm. Chưa kể đến các vấn đề khác chung quanh mức độ khó của đề thi THPT quốc gia vẫn đang gây ra những tranh luận, như: Tăng độ khó thế nào cho khoa học, nhất là với những đề trắc nghiệm, hay, đề thi ngày càng khó liệu có dẫn đến tình trạng học sinh lại phải kéo nhau vào “lò” luyện thi như những năm trước đây?...

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top