Mường Nhé kiên cố hóa trường, lớp học

09:32 - Thứ Tư, 08/08/2018 Lượt xem: 7832 In bài viết
ĐBP - Với mục tiêu từng bước xóa bỏ phòng học tạm, phòng học xuống cấp, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học; những năm qua, huyện Mường Nhé đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường, lớp học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

 

Cô và trò Trường Mầm non bản Nậm Sin, xã Chung Chải học tập trong ngôi trường khang trang.

Về Mường Toong, những ngày cận kề năm học mới, cùng trò chuyện với cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (xã Mường Toong), được biết: Trường được chia tách, thành lập từ năm 2005 gồm 6 điểm trường, cơ sở vật chất chủ yếu là phòng học bán kiên cố và tạm bợ được dựng bằng tranh, tre, nứa lá. Ðặc biệt vào mùa mưa lũ, lốc xoáy, gây tốc mái nên nhà trường phải huy động thầy cô, bà con dân bản tu sửa, dựng mới. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước; các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cơ bản hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Năm học 2017 - 2018, nhà trường được đầu tư xây dựng, nâng cấp 3 phòng học kiên cố, 30 phòng học bán kiên cố; 2 phòng hiệu bộ. Năm học 2018 - 2019, trường được đầu tư mới 6 phòng học ở trung tâm và các điểm bản Nặm Sả, Huổi Pinh, Nặm Hà… dự kiến đến hết học kỳ I sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng thêm 3 phòng học tại bản Nặm Tăm 1, Huổi Cắn…

Thầy Phan Văn Uyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Mường Nhé, cho biết: Xác định kiên cố hóa trường, lớp học góp phần không nhỏ tạo nguồn lực cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt ở huyện biên giới như Mường Nhé. Ðây là điều kiện tiên quyết không chỉ phục vụ hoạt động dạy và học mà còn bảo đảm an toàn về sức khỏe, hiệu suất làm việc của đội ngũ giáo viên và học sinh… Do vậy, những năm qua, huyện đã quan tâm đầu tư lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau, kiên cố hóa trường, lớp học, từng bước xóa bỏ phòng học tạm, phòng học xuống cấp. Trên cơ sở thực tiễn, hàng năm Phòng tổ chức khảo sát, tham mưu cho UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp học; ưu tiên các phòng học đã xuống cấp chưa có dự án đầu tư, các điểm trường vùng sâu, vùng xa, biên giới và những trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ðặc biệt, ngoài tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các trường cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, khơi gợi những tấm lòng hảo tâm, nhà từ thiện quyên góp ủng hộ để từng bước hoàn thiện mạng lưới trường học ở các địa phương. Trong năm học 2017 - 2018, Phòng GD&ÐT huyện Mường Nhé đã vận động, kêu gọi các đơn vị, tổ chức từ thiện hỗ trợ xây dựng 9 phòng học (4 phòng kiên cố, 5 phòng học lắp ghép; 4 phòng công vụ và 2 nhà vệ sinh lắp ghép...). Các trường được hỗ trợ gồm: Tiểu học Quảng Lâm số 1, Tiểu học Chung Chải số 1… với tổng kinh phí ước tính 2 tỷ đồng. Nâng tổng số phòng học kiên cố toàn huyện lên 664 phòng học ở cả 3 cấp.

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2018 - 2019, dự kiến Phòng GD&ÐT huyện Mường Nhé có 38 trường, 637 lớp, 15.587 học sinh với tổng số 659 phòng học. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng thay thế các phòng học cấp 4 đã xuống cấp, phòng học tạm đã góp phần huy động tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều phòng học tạm, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh, đặc biệt các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, thời gian tới, Phòng GD&ÐT huyện chủ động xây dựng kế hoạch trình UBND huyện, tiếp tục xây dựng 204 phòng học, từ nay cho đến năm 2020 sẽ “xóa” được số phòng học tạm tại các trường chưa có dự án ghi danh mục đầu tư xây dựng. Trong đó, cấp mầm non đầu tư xây dựng 10/12 trường với 85 phòng; cấp tiểu học 13/15 trường với 101 phòng... Cũng theo thầy Phan Văn Uyên, bên cạnh sự nỗ lực của huyện cũng như ngành GD&ÐT, mong rằng, các cấp, các ngành, tổ chức từ thiện... sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa tại các điểm trường còn phòng học tạm, góp phần nâng cao sự nghiệp trồng người nơi biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top