Năm học mới với những mục tiêu mới

08:51 - Thứ Tư, 05/09/2018 Lượt xem: 6322 In bài viết

ĐBP - Khép lại năm học 2017 - 2018 với nhiều thành công, bước vào năm học mới ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Ðiện Biên tiếp tục đặt ra mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực, tai nạn, thương tích học đường. Ðồng thời, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia…

 

Các thầy giáo Trường PTDT BT Tiểu học Chung Chải (huyện Mường Nhé) vận động học sinh ra lớp. Ảnh: Phương Liên

Bước vào năm học 2018 - 2019, ngành GD&ÐT tỉnh tiến hành rà soát, tổ chức lại hệ thống mạng lưới các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu người học; sắp xếp điều chỉnh quy mô lớp học, tăng số học sinh/lớp ở các cấp học đảm bảo không vượt mức tối đa theo quy định, phù hợp thực tế. Ngành phối hợp với các tổ chức, chính quyền địa phương vận động tối đa dân số trong độ tuổi đến trường, duy trì sĩ số học sinh. Phấn đấu huy động dân số từ 3 - 36 tháng tuổi học nhà trẻ đạt 39%; 3 - 5 tuổi học mẫu giáo đạt 98,8%; 6 - 10 tuổi học tiểu học đạt 99,7%; 11 - 14 tuổi học THCS đạt 95%; 15 - 18 tuổi học THPT đạt 63%. Ngoài ra, ngành chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm biên chế. Trong đó, ưu tiên, chủ động phương án tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non, hạn chế tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên THCS và tiểu học (đối với các đơn vị cấp huyện còn biên chế được giao). Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp và đảm bảo chỉ tiêu theo quy định.

Ðể đảm bảo cơ sở vật chất cho các hoạt động giáo dục, ngành huy động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, xây dựng cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng cơ bản hoạt động dạy và học. Ðồng thời ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch; bố trí sắp xếp, sử dụng hợp lý, hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; tăng cường quản lý tài sản công, xây dựng và tôn tạo cảnh quan trong trường học.

Cùng với đó, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới các chương trình giáo dục. Cụ thể ở cấp mầm non tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, phát triển chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Ngành đẩy mạnh xã hội hóa phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhưng kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ. Giáo dục tiểu học tiếp tục thực hiện hiệu quả dạy học phân loại, đổi mới phương pháp dạy học, phát huy các thành tố tích cực hiệu quả của mô hình VNEN, công nghệ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ðặc biệt quan tâm đến các giải pháp nâng cao chất lượng đọc, viết, tính toán và khả năng giao tiếp của học sinh lóp 2, 3 thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Ðối với giáo dục trung học tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, thực hiện giảm tải phù hợp với thực tế từng đơn vị. Từng bước triển khai dạy học theo chuyên đề trong các nhà trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình trường học mới THCS đối với lớp 6, 7, 8, 9. Ngành tăng cường chỉ đạo việc dạy học, ôn tập, ôn thi tốt nghiệp lớp 9 cấp THCS, ôn thi THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Cùng với đó, ngành đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là ngành tăng cường đầu tư nguồn học liệu, cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các trường phổ thông, đặc biệt là các trường đang thực hiện chương trình tiếng Anh hệ 10 năm. Ngành tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên tiếng Anh các cấp học, tập huấn phương pháp giảng dạy thực hiện chương trình hệ 10 năm cho giáo viên cấp THCS, THPT. Cùng với đó, triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm ở 124 trường tiểu học, 30 trường THCS và 4 trường THPT; xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ; duy trì mô hình điển hình về đổi mới và dạy học ngoại ngữ; tiếp tục thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Ngành mở rộng hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ nhằm hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh tại các trường phổ thông và trung tâm ngoại ngữ tin học.

Ðể phương hướng và các nhiệm vụ trên đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực, ngành GD&ÐT cần đề ra các nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về GD&ÐT là nhiệm vụ đầu tiên. Cùng với đó, ngành tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ÐT; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ÐT. Với tiền đề là thành tích nổi bật trong năm học 2017 - 2018, tin tưởng rằng, khi bước vào năm học 2018 - 2019, ngành GD&ÐT tỉnh sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top