Quan trọng là chất lượng giáo dục

08:12 - Thứ Năm, 20/09/2018 Lượt xem: 6432 In bài viết
ĐBP - Thời gian gần đây, dư luận xã hội xôn xao bàn tán về phương pháp đánh vần trong chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1 - CNGD). Nhiều người đứng trên quan điểm cá nhân bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng có không ít người phản đối, thậm chí dùng những lời lẽ miệt thị, xúc phạm đến “cha đẻ” của chương trình này dù chưa tìm hiểu kỹ.

 

Giáo viên Trường Tiểu học Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) trao đổi về chương trình TV1 - CNGD.

Câu chuyện xuất phát từ một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo dạy học sinh đọc một đoạn thơ mà các chữ được biểu hiện bằng một số ô vuông theo phương pháp CNGD nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng xã hội, đặc biệt là phụ huynh có con, em đang và sắp bước vào lớp 1. Bám theo sự quan tâm đó, là trào lưu dàn dựng các clip nhạc, phim; những tờ đơn, lá thư... thể hiện bằng các ô vuông, ô tròn, tam giác. Ðiều đó khiến nhiều người vội vàng suy đoán “từ nay học sinh sẽ không viết chữ quốc ngữ mà thay thế bằng hình tròn, hình vuông, hình tam giác”. Câu chuyện càng bị đẩy đi xa hơn khi có nhiều người còn nhầm lẫn hoặc cố tình “đổ thêm dầu vào lửa” khi gắn việc này với đề xuất cải cách ngôn ngữ của Giáo sư Bùi Hiền dù 2 vấn đề không liên quan đến nhau. Từ hoang mang, lo lắng nhiều người chuyển thành thái độ bất bình, lên tiếng phản đối chương trình TV1 - CNGD, thậm chí hô hào không cho con em tới lớp.

Ðể rộng đường dư luận, chúng tôi đến một số cơ sở giáo dục đang áp dụng chương trình TV1 - CNGD để có cái nhìn khách quan về vấn đề này. Theo tìm hiểu, chương trình TV1 - CNGD được Giáo sư Hồ Ngọc Ðại xây dựng và dạy từ năm 1979 ở Trường Thực nghiệm CNGD - ngôi trường do chính ông sáng lập. Năm 2008, Bộ Giáo dục và Ðào tạo quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh. Cách đánh vần theo bộ sách này đến nay đã được triển khai ở 49 địa phương với hơn 800.000 học sinh trên cả nước theo học. Trình tự dạy đánh vần của tài liệu là: phát âm - âm - con chữ, tức là dạy tiếng trước. Cách dùng các mô hình vuông, tròn, tam giác... để thay thế và biểu thị cho các tiếng trong chuỗi lời nói chỉ xuất hiện ở phần đầu của chương trình. Khi học sinh rút ra được mô hình tiếng, đi vào tìm vật thay thế là chữ cái để ghi âm thì không còn sử dụng. Ðây là điểm khác biệt giữa tài liệu TV1 - CNGD và sách giáo khoa hiện nay. Còn việc nhiều người cho rằng TV1 - CNGD dạy chữ theo kiểu vuông, tròn, tam giác... là không chính xác.

 

Giờ học môn tiếng Việt theo Chương trình CNGD tại lớp 1A1, Trường Tiểu học Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ).

Còn tại Ðiện Biên, thông tin từ Sở Giáo dục và Ðào tạo cho biết, chương trình TV1 - CNGD được ngành áp dụng thí điểm tại một số trường tiểu học tại huyện Ðiện Biên từ năm học 2014 - 2015. Qua theo dõi, chất lượng học sinh có sự chuyển biến, phần lớn các em có kỹ năng đọc to, rõ ràng, đảm bảo tốc độ quy định, ngắt nghỉ hơi hợp lý, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm tiếng Việt, phát âm chuẩn; kĩ năng nghe - viết đảm bảo, nắm chắc luật chính tả để vận dụng viết bài, không nhầm lẫn âm vần. Sau những bước đi thận trọng, ngành mới áp dụng chương trình ra các đơn vị khác trong toàn tỉnh. TP. Ðiện Biên Phủ là đơn vị áp dụng sau cùng nhưng thực hiện khá tốt chương trình TV1 -CNGD tại các trường tiểu học trên địa bàn. Cô Ðinh Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Him Lam, cho biết: Khi bắt đầu thực hiện, nhà trường tìm hiểu kỹ càng về chương trình TV1 - CNGD; cán bộ, giáo viên được tập huấn và tham quan mô hình này tại các trường đã triển khai trước đó. Nhà trường cũng nhận được sự nhất trí của phụ huynh, sự đồng thuận của chính quyền địa phương khi đưa phương pháp mới này vào giảng dạy từ năm học 2016 - 2017. Qua 2 năm triển khai, học sinh có kỹ năng đọc viết tốt hơn, nắm chắc cấu trúc ngữ âm, không sai chính tả. Cũng bởi đã triển khai qua 2 năm học nên vừa qua dù dư luận dậy sóng, phụ huynh của trường vẫn không có ý kiến phản hồi hay thắc mắc gì về chương trình TV1 - CNGD. Hơn 260 học sinh lớp 1 của trường vẫn đi học đầy đủ, không có trường hợp nào nghỉ học.

Dưới góc nhìn của phụ huynh, điều họ quan tâm nhất chính là chất lượng học tập của con em mình. Vậy nên khi nhìn thấy những hình vuông, tròn, tam giác, đại bộ phận đều hoang mang với cách học mới. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ càng, thậm chí đến tận nơi chứng kiến con mình học, họ dần có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề này. Chị Trần Thị Tr., có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ, chia sẻ: Khi thấy những nội dung chia sẻ trên mạng xã hội chị rất hoang mang bởi chị đã quen với phương pháp truyền thống là học chữ trước rồi nhìn vào con chữ để đánh vần và nhận diện từ. Rồi nhiều nguồn thông tin cho rằng sẽ cải cách chữ viết khiến chị càng lo lắng cho tương lai của con mình. Do vậy, chị dành thời gian tìm hiểu, tra cứu tài liệu, tiếp nhận thông tin từ những nguồn chính thống để hiểu hơn về chương trình mới. Khi được biết chương trình TV1 - CNGD chỉ là thay đổi phương pháp giảng dạy và học theo chương trình vẫn đảm bảo chất lượng, thậm chí nhiều học sinh thế hệ đầu nay còn trở thành giáo sư, tiến sĩ thì chị đã yên tâm hơn. Ðiều trăn trở lớn nhất bây giờ với chị và không ít phụ huynh khác là việc kèm con em mình, bởi phương pháp mới khác biệt so với những gì chị được học trước đây. Việc giáo dục con em bây giờ phải giao phó hoàn toàn cho cô giáo trên lớp.

Ðến thời điểm này, “tâm bão” đã đi qua, dư luận “tròn, vuông, tam giác” cũng dần lắng xuống nhưng cuộc tranh cãi về vấn đề này vẫn chưa đến hồi kết. Khách quan mà nói, dù cho chương trình TV1 - CNGD có nhiều ưu điểm như chia sẻ của người trong cuộc thì người thích vẫn bảo vệ, người không thích vẫn cho rằng bất hợp lý. Có điều vẫn phải trách những người chưa tìm hiểu kỹ về chương trình này đã vội vàng tung thông tin trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Qua tiếp xúc, trao đổi với nhà trường, phụ huynh học sinh, có thể thấy được rằng, dù có giảng dạy theo phương pháp nào đi chăng nữa, đích đến cuối cùng mà họ quan tâm vẫn là chất lượng giáo dục.

Bài, ảnh: Tiếu Sinh
Bình luận
Back To Top