Giải pháp cho thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ

08:48 - Thứ Hai, 01/10/2018 Lượt xem: 10269 In bài viết

ĐBP - Báo cáo của Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) cho thấy, toàn tỉnh còn thiếu 1.571 biên chế giáo viên; trong đó, tập trung chủ yếu ở cấp học mầm non (thiếu 1.192 giáo viên), giáo viên các môn chuyên biệt cấp tiểu học và THCS, giáo viên môn tiếng Anh cấp THPT. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng mất cân đối giáo viên giữa các bộ môn tại một số trường THCS khiến cho nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn tới tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và giải pháp nào có thể khắc phục tình trạng trên…

 

Giờ học môn Lịch sử của cô, trò Trường THCS Chiềng Sinh, xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Diệp Chi

Ngành GD&ÐT hiện có 176 trường mầm non, 334 trường phổ thông, 4 trung tâm và 1 Trường Cao đẳng Sư phạm với 15.956 biên chế cán bộ, giáo viên. Ngoài đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ, cấp mầm non có 3.144 giáo viên, tiểu học có 4.403 giáo viên, THCS có 2.713 giáo viên, THPT có 1.202 giáo viên… Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 7.173 lớp mầm non và phổ thông với 186.030 học sinh. Theo định mức, toàn tỉnh còn thiếu 1.571 biên chế giáo viên; trong đó, tập trung chủ yếu ở cấp học mầm non, giáo viên các môn chuyên biệt cấp tiểu học và THCS, giáo viên môn tiếng Anh cấp THPT. Ngoài nguyên nhân số lượng biên chế làm công tác quản lý, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp GD&ÐT được giao mỗi năm cắt giảm 1,5 - 1,7% từ năm 2015 đến nay thì theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT, việc thiếu giáo viên cơ bản diễn ra ở cấp mầm non, do dân số trong độ tuổi đi học, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp tăng dẫn đến quy mô trường, lớp học tăng theo. Nếu như năm học 2016 - 2017 toàn tỉnh có 172 trường mầm non, 2.221 nhóm/lớp với 51.673 trẻ thì đến năm học 2018 - 2019, số trường mầm non là 176 với 2.313 nhóm/lớp và 54.678 trẻ. Việc thiếu giáo viên ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, đặc biệt là trẻ nhà trẻ vì không đủ giáo viên đảm nhiệm; đồng thời, gây quá tải và áp lực công việc cho giáo viên do không đủ định mức giáo viên/lớp. Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học cấp mầm non của các địa phương, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ở cấp tiểu học, về cơ bản hiện nay không thiếu giáo viên dạy văn hóa, chỉ thiếu giáo viên ở các bộ môn đặc thù như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh… Nguyên nhân là do không có nguồn tuyển hoặc nguồn tuyển không đảm bảo chất lượng, hoặc đã tuyển nhưng vì điều kiện sinh hoạt, công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa quá khó khăn, các chế độ chính sách không đủ sức giữ chân giáo viên nên tự nguyện xin thôi việc. Ở cấp THPT cũng tương tự khi thiếu chủ yếu là giáo viên bộ môn Tiếng Anh do không có nhiều nguồn tuyển hoặc nguồn tuyển không đảm bảo chất lượng cho công tác giảng dạy… Còn vấn đề mất cân đối giáo viên giữa các môn học tại các trường THCS là do đội ngũ giáo viên này được đào tạo liên môn như: Văn - Sử; Văn - Ðịa; Toán - Lý; Toán - Hóa; Hóa - Sinh; Sinh - Thể dục... nên họ có thể giảng dạy được cả hai phân môn đã đào tạo, nhưng cơ bản sẽ là phân môn đứng đầu. Trong những năm trước đây, việc tuyển giáo viên thiếu ràng buộc nên khi sau tuyển dụng, đội ngũ giáo viên này yêu cầu được giảng dạy theo phân môn đào tạo đầu tiên. Ví dụ như tuyển giáo viên dạy thể dục, nhưng người được tuyển dụng tốt nghiệp chuyên ngành Sinh - Thể dục. Sau khi được tuyển dụng và phân công công tác, giáo viên đó lại đề nghị đơn vị bố trí giảng dạy môn Sinh học dẫn tới tình trạng thừa giáo viên môn Sinh học nhưng lại thiếu giáo viên Thể dục… Việc thừa giáo viên văn hóa nhưng lại thiếu các môn đặc thù nên số giáo viên đặc thù phải đảm nhiệm giảng dạy ở nhiều trường, nhiều cấp trên cùng một địa bàn gây quá tải và áp lực. Ngoài ra, một số đơn vị bố trí giáo viên đặc thù ở trường THCS xuống dạy tiểu học trên cùng địa bàn dẫn tới chất lượng giảng dạy chưa cao.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, để giải quyết vấn đề nơi thừa, chỗ thiếu, ngành GD&ÐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đánh giá, phân loại viên chức từ đó có cơ sở thực hiện tinh giản biên chế đối với đội ngũ giáo viên dôi dư cục bộ; đồng thời, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp sao cho hợp lý. Ngành cũng sẽ ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên môn đặc thù ở các cấp học; bố trí giáo viên các môn đặc thù dạy ở nhiều trường, nhiều cấp trên cùng địa bàn. Với cấp THPT, khi chưa tuyển đủ giáo viên, ngành biệt phái giáo viên từ các trường không đạt chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2018 - 2019 đến các đơn vị còn thiếu giáo viên ở vùng khó khăn để tạm giải quyết vấn đề trước mắt. Với cấp mầm non, ngành ưu tiên huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, sau đó đến trẻ nhà trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi; khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập để giảm tải cho đội ngũ giáo viên mầm non.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top