Khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh

09:01 - Thứ Tư, 10/10/2018 Lượt xem: 8402 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, công tác xây dựng thư viện thân thiện, thư viện chuẩn của ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP. Ðiện Biên Phủ đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều thư viện truyền thống dần thay đổi hình thức và phương thức hoạt động, trở thành điểm đến mong chờ của học sinh. Cũng từ đó, từng bước xây dựng niềm đam mê đọc sách, khả năng tự học, tự tìm hiểu khám phá kiến thức cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của các trường.

 

Học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ đọc tranh, truyện tại thư viện của Trường.

Cùng với việc tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, việc đầu tư xây dựng thư viện chuẩn, thư viện thân thiện ở cấp tiểu học trên địa bàn cũng được ngành GD&ÐT TP. Ðiện Biên Phủ chú trọng. Do đó, thư viện thân thiện được ngành triển khai thực hiện tại 9/9 trường tiểu học trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và có cả sự tham gia của phụ huynh học sinh. Có thể kể đến các hình thức, như: Thư viện lớp học đặt ở cuối phòng học của các lớp; thư viện di động với nhiều đầu sách, truyện đặt trong tủ hoặc giá có thể di chuyển được mọi lúc, mọi nơi trong khuôn viên trường; thư viện xanh được thiết kế trong vườn cây xanh hay sân trường đủ bóng mát, có bồn hoa cây cảnh đẹp mắt, có ghế ngồi; thư viện đa năng được thiết kế tại các vị trí khác nhau, sử dụng tích hợp với nhiều chức năng khác nhưng vẫn mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động đọc của học sinh. Với các hình thức đa dạng, thư viện thân thiện tại các trường tiểu học tạo ra một không gian mở tối đa, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách với tâm lý nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị và đầy hứng khởi. Hơn nữa, khi xây dựng thư viện thân thiện, các trường đều trang trí đẹp mắt, sắp xếp khoa học, thoáng mát, bàn đọc, sách, truyện phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học nên thư viện dần trở thành sân chơi bổ ích của học sinh sau các giờ học căng thẳng. Em Nguyễn Duy Tài, học sinh lớp 2A6, Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ, chia sẻ: Em rất thích đến thư viện của trường bởi vì ở đây có nhiều sách, truyện tranh hay, hấp dẫn. Ngoài ra, cô giáo còn hướng dẫn chúng em tự lựa chọn các loại tranh truyện phù hợp với lứa tuổi của mình.

Cùng với đó, năm học 2017 - 2018, ngành GD&ÐT TP. Ðiện Biên Phủ triển khai xây dựng thư viện Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ và Trường Tiểu học Him Lam đạt thư viện chuẩn theo quy định. Ðể làm được điều này, ngành tập trung rà soát, đối chiếu để cấp bổ sung đầy đủ các loại sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa... Ðồng thời, đầu tư xây mới 2 phòng thư viện với đầy đủ các trang thiết bị. Ðến nay, thư viện Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ có diện tích 80m2 với các trang thiết bị trong phòng thư viện, như: Giá sách, bàn ghế, tủ, máy tính, tivi... và 523 đầu sách, 5.269 cuốn sách truyện các loại. Với các trang bị tương tự như vậy, Trường Tiểu học Him Lam có diện tích gần 60m2 và 675 đầu sách, 8.653 cuốn sách truyện các loại. Hai đơn vị trường đã thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức, quản lý thư viện; bố trí sắp xếp và khai thác sử dụng hiệu quả thư viện trong các hoạt động dạy và học. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ, cho biết: Hiện nay, Trường có 6 thư viện xanh trong khuôn viên và 1 thư viện đạt chuẩn với đầy đủ trang thiết bị, sách truyện, đáp ứng tốt nhu cầu của cả giáo viên và học sinh. Ngoài sách, truyện được cấp trường huy động xã hội hóa từ giáo viên, học sinh, phụ huynh ủng hộ để làm phong phú thêm cho thư viện. Ðể sử dụng hiệu quả thư viện, trường tổ chức cho học sinh mỗi tuần 1 tiết đọc tại thư viện; với học sinh lớp 1 thì có các anh chị Sao nhi đồng lớp 4, 5 đọc sách cho các em nghe.

Khác với thư viện truyền thống vắng bóng học sinh, thư viện thân thiện, thư viện chuẩn trong trường tiểu học trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đã và đang trở thành nơi thu hút đông đảo học sinh tìm đến, giúp các em tiếp cận tri thức, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ học tập và cuộc sống. Ở tương lai xa hơn, các thư viện này có thể sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp các em rời xa các thiết bị công nghệ hiện đại và dần hình thành văn hóa đọc truyền thống.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top