Dự kiến tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục:

Liệu có khả thi?

15:39 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 7583 In bài viết

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, trong đó đáng chú ý là việc tăng mức phạt đối với các sai phạm như dạy thêm; xúc phạm người dạy, người học; bạo lực học đường... Mặc dù được cho là cần thiết để góp phần giải quyết căn bản những “căn bệnh” khó chữa của ngành Giáo dục nhiều năm qua, nhưng không ít ý kiến cho rằng, việc phạt tiền chỉ là giải pháp “ngắt ngọn” và khó khả thi. 


Việc xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cần bảo đảm hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Dự kiến tăng mức phạt

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được tổ chức lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 25-11-2018 để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt thay thế Nghị định 138/2013/NĐ-CP ban hành năm 2013 về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục”. 

Đề cập đến sự cần thiết của việc xây dựng dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, khi thực hiện đổi mới quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục được giao nhiều quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và tổ chức các hoạt động nên cần bổ sung một số nội dung cho phù hợp. Ngoài ra, việc tăng mức xử phạt trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để bảo đảm tính răn đe, góp phần hạn chế sai phạm trong nhà trường và giảm bức xúc trong dư luận.

So với quy định hiện hành, hầu hết mức phạt đối với các hành vi sai phạm trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại dự thảo Nghị định đều tăng. Đơn cử, đối với sai phạm về dạy thêm, theo quy định hiện hành mức xử phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 12 triệu đồng, còn tại dự thảo Nghị định, mức xử phạt thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 15 triệu đồng.

Một trong những nội dung thu hút sự chú ý tại dự thảo Nghị định là quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học với mức xử phạt tăng gấp 3 lần so với quy định hiện hành. Theo đó, hành vi xâm phạm thân thể người học sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất là 30 triệu đồng, trong khi quy định hiện hành là 10 triệu đồng.

Bà Nguyễn Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tiền Phong (huyện Gia Lâm) cho rằng, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi trên là cần thiết, bởi hiện nay tình trạng bạo lực đối với học sinh vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở cấp mầm non và tiểu học. Cơ quan chức năng cũng phải giám sát việc thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giảng dạy từ 1 đến 6 tháng theo đúng quy định. Bởi thực tế, không nhiều nơi tuân thủ nghiêm túc việc này, nếu chỉ phạt tiền thì không bảo đảm tính răn đe và sự nghiêm minh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: Việc phạt tiền trong giáo dục có thể ngăn chặn các hành vi sai phạm của người dạy và người học, song chỉ là biện pháp “ngắt ngọn”. Giáo dục là lĩnh vực đặc thù, nên phải lấy giáo dục làm gốc.

Băn khoăn tính khả thi

Mặc dù ủng hộ việc ban hành những chế tài mạnh nhằm giải quyết những tồn tại của ngành Giáo dục vốn đã kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận, song nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của một số quy định tại dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được công bố.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) nhận định, dự thảo đã đề cập đến nhiều khía cạnh của giáo dục một cách thẳng thắn nhằm điều chỉnh, uốn nắn các hành vi trong nhà trường đi vào nền nếp, bảo đảm quyền lợi cho người dạy, người học. 

Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất lên tới 30 triệu đồng đối với nhà giáo khi xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh có thể cần cân nhắc kỹ hơn nếu đưa vào thực tế. Trong môi trường giáo dục ngày càng dân chủ, bình đẳng như hiện nay, nhất là ở cấp THCS trở lên, ranh giới giữa những va chạm của giáo viên và học sinh nhiều khi khó phân định đúng - sai. Nếu không có cái nhìn cặn kẽ, nhiều chiều sẽ dễ dẫn đến việc quy chụp, áp dụng cứng nhắc, việc xử lý có thể không hiệu quả và thiếu thuyết phục.

Không chỉ quy định phạt tiền đối với người dạy khi có hành vi sai phạm với người học, dự thảo còn có quy định phạt tiền người học khi có sai phạm với người dạy. Cụ thể, nếu người học có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo thì ngoài yêu cầu phải xin lỗi công khai, tùy theo mức độ sai phạm, người học còn phải nộp tiền phạt ở mức thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 30 triệu đồng. 

Khi được hỏi về nội dung này, em Nguyễn Lê Minh, học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) băn khoăn: “Em đồng tình với việc phải răn đe, giáo dục học sinh không được vô lễ với thầy, cô giáo. Song, em chưa hiểu các hành vi như thế nào sẽ bị coi là xúc phạm nhân phẩm, danh dự của thầy, cô giáo. Em cho rằng, việc phạt tiền để uốn nắn, răn đe các hành vi của học sinh đối với thầy, cô giáo không hẳn là giải pháp bền vững”.

Đề cập đến dự thảo, ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, Nghị định trong lĩnh vực giáo dục luôn có tính đặc thù. Vì vậy, khi xây dựng dự thảo Nghị định cần tính đến đặc thù này để làm sao vừa bảo đảm hiệu quả trong quản lý nhà nước, vừa giữ gìn được truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top