Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

09:06 - Thứ Tư, 17/10/2018 Lượt xem: 8654 In bài viết

ĐBP - Nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhận thức về học nghề, tạo việc làm của người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước thay đổi theo chiều hướng tích cực, không còn phổ biến tình trạng học nghề theo phong trào. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm; tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề có việc làm, thu nhập ổn định tăng hơn so với những năm trước. Số gia đình có xu hướng cho con em đăng ký tham gia học nghề cũng cao hơn. Ðó là những biến chuyển tích cực, dễ nhận thấy nhất từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN - Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.

 

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên, Trường Cao đẳng quốc tế Kent và Trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Xác định được tầm quan trọng của GDNN, hệ thống các trường cao đẳng nghề, cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư khá toàn diện (cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên...), từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Toàn tỉnh có hiện 13 cơ sở đào tạo nghề (8 trung tâm GDNN - thường xuyên; 3 trường chuyên nghiệp và 2 đơn vị có hoạt động GDNN). Chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nhất là từng bước chuyển đào tạo từ “cung” sang “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp. Năm 2018, dự ước toàn tỉnh sẽ tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.000 người; trong đó, cao đẳng nghề 200 người, trung cấp nghề 150 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 7.650 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế của tỉnh đạt hơn 52%. Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong vài năm gần đây tỉnh ta không đặt mục tiêu tăng số lượng đào tạo mà tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên, thực hiện Luật GDNN từ đầu năm 2017 đến nay, Trường tổ chức đào tạo cho 181 người học các ngành, nghề; trong đó, 118 sinh viên trình độ cao đẳng; 28 học sinh trình độ trung cấp và 25 học sinh trình độ sơ cấp. Nhà trường đã bố trí 101 giáo viên cơ hữu tham gia giảng dạy các ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp; trong đó gần 70% giáo viên có trình độ sau đại học. Chương trình tổng quát của 7 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 12 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp đã được nhà trường xây dựng và đề nghị Tổng cục GDNN chuyển đổi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN. Cùng với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đáp ứng nhu cầu học tập nên tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường tìm được việc làm khá cao. Qua khảo sát, hơn 62% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm. Nâng cao năng lực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, cơ sở sản xuất, các công ty và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên đã xây dựng Dự án Ðầu tư ngành, nghề trọng điểm đến năm 2020 với 4 ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia (kế toán, dịch vụ pháp lý, chăn nuôi - thú y và hướng dẫn du lịch). Dự án được triển khai sẽ đầu tư đồng bộ thiết bị đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, chương trình, giáo trình… nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN của nhà trường, phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó có hệ thống GDNN; trung tuần tháng 9 vừa qua UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng Ðề án Sáp nhập 3 đơn vị: Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thành 1 đơn vị hoạt động theo cơ chế tài chính là đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi thường xuyên theo quy định hiện hành. Việc sáp nhập này sẽ giúp nguồn lực đầu tư tập trung, thu hút tuyển sinh cũng như giải quyết được vấn đề đào tạo theo nhóm ngành nghề, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến việc phân tán nguồn lực, trang thiết bị và phân tán người học. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tư vấn đến người học để tăng cường công tác tuyển sinh, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học. Ðổi mới GDNN theo hướng gắn chặt chẽ với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững, xuất khẩu lao động.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top