"Dừng" cao đẳng để nâng chất lượng

16:13 - Thứ Hai, 22/10/2018 Lượt xem: 7202 In bài viết

Theo Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những trường đại học đang đào tạo hệ cao đẳng sẽ buộc phải giảm chỉ tiêu ít nhất 30% mỗi năm, tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Vì vậy, các chuyên gia giáo dục cho rằng, để thực hiện được quy định này cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học.

 

Ghi nhận từ kết quả tuyển sinh tại các trường đại học năm 2018 cho thấy, nhiều trường vẫn tuyển sinh hệ cao đẳng với chỉ tiêu rất lớn. Đơn cử, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh mặc dù đã cắt giảm các ngành đào tạo hệ cao đẳng nhưng vẫn đang đào tạo 13 ngành với số lượng tuyển sinh là 3.500 chỉ tiêu. Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh tuyển sinh 15 ngành hệ cao đẳng với 1.500 chỉ tiêu, bằng với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017. 

Tương tự, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vẫn còn tuyển sinh hệ cao đẳng. Trong khi đó, Trường Đại học Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh sau khi bỏ tuyển sinh hệ cao đẳng vào năm 2016 thì năm 2018 lại tuyển sinh trở lại với lý do mới sáp nhập thêm Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan.

Tuy nhiên, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, là một trường được nâng cấp từ trường cao đẳng lên đại học nên kinh nghiệm cũng như chất lượng đào tạo hệ cao đẳng đã được người học và xã hội chấp nhận. Hệ thống cơ sở vật chất thí nghiệm, thực hành dành cho hệ cao đẳng đang được khai thác khá hiệu quả. Hiện nay trường đã giảm chỉ tiêu khá nhiều và tập trung đào tạo theo hướng chất lượng cao, cam kết 100% việc làm cho sinh viên khi ra trường. 

Trong khi đó, nhiều trường đại học tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cắt giảm và tiến tới dừng đào tạo hệ cao đẳng như: Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh... đã bỏ tuyển sinh hệ cao đẳng hơn 4 năm. 

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, quan điểm bỏ hệ cao đẳng trong các trường đại học là một bước đi đúng đắn, các trường đại học cần tập trung đào tạo bậc đại học và sau đại học. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho hay, trong bối cảnh hệ cao đẳng đã chuyển cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý với chỉ tiêu đào tạo và yêu cầu khác so với bậc đại học, các trường đại học nên bỏ hẳn hệ cao đẳng để tập trung nguồn lực cho bậc đại học và sau đại học.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết, các trường đại học không nên ôm đồm việc đào tạo bậc dưới để chạy theo cái gọi là “nồi cơm” cho trường. Quan trọng nhất, sản phẩm từ đào tạo bậc đại học phải đạt chất lượng để được Nhà nước giao chỉ tiêu, người học tin tưởng. Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là đào tạo bậc cao sau đại học, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ gắn liền với sản phẩm để phục vụ cộng đồng và xã hội.

Để nâng cao chất lượng cho các trường đại học, theo ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên chuyên viên tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường thanh, kiểm tra các trường để bảo đảm thực hiện đúng lộ trình bỏ đào tạo cao đẳng như đã cam kết theo từng năm.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học theo hướng dựa vào năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của từng trường; đồng thời, thực hiện phân tầng, xếp hạng theo chiều hướng cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top