5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ:

Chuyển biến tích cực ở các cấp học và chất lượng đào tạo

15:32 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 8913 In bài viết

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có báo cáo sơ kết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

 

Để khắc phục hạn chế, yếu kém trong GD-ĐT, ngày 4-11-2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ với 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới căn bản toàn diện, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT khẳng định, sau 5 năm thực hiện, ngành đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực...

Đáng chú ý, bên cạnh những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế cũng được báo cáo chỉ ra, như vẫn còn tình trạng “bệnh thành tích”, lạm thu, dạy thêm học thêm trái quy định, bạo lực học đường; tiến độ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới bị chậm, chưa bảo đảm lộ trình tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ. 

Việc đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học vẫn chưa thực sự hiệu quả. Việc đổi mới đánh giá, thi ở các cấp học và trình độ đào tạo giai đoạn vừa qua vẫn chưa thực sự căn cơ, chưa đáp ứng được vai trò “đột phá” cho công cuộc đổi mới GD-ĐT. 

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chế tài xử lý các vi phạm trong giáo dục còn yếu, không đủ sức răn đe; việc thực hiện kết luận thanh tra còn chậm, không triệt để; chưa chú trọng việc theo dõi, xử lý sau thanh tra; chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhất là việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính giáo dục.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ, một trong những nhiệm vụ đang được Bộ GD-ĐT tập trung thực hiện là hoàn thiện 2 dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIV, đang diễn ra và kỳ họp tiếp theo; đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cho quá trình triển khai Nghị quyết.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top