Giáo dục STEM: Vì sao chưa thể nhân rộng?

14:57 - Thứ Sáu, 26/10/2018 Lượt xem: 8174 In bài viết

Phương pháp giáo dục STEM xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2012, hướng đến thị trường là những thành phố lớn và chỉ tập trung vào 2 mảng chính là robot và lập trình. Trải qua 6 năm phát triển, STEM dần trở thành từ khóa được tìm kiếm hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh giáo dục, cùng thị trường cung cấp giải pháp rộng lớn. Tuy nhiên, trong các trường học, STEM vẫn chiếm vị trí quá khiêm tốn. 

 

Một tiết học tại phòng học STEM với kính thực tế ảo của học sinh khối 7 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3)

Phương pháp dạy học phát huy sáng tạo  

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức đoàn công tác nghiên cứu về triển khai giáo dục STEM tại các trường phổ thông. TPHCM là điểm dừng chân đầu tiên của đợt khảo sát. Đoàn đã tham dự tiết dạy theo định hướng STEM do thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Tổ Vật lý Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), tổ chức.

Tại đây, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đánh giá cao hiệu quả của phương pháp dạy học này trong việc tạo ra môi trường học tập kích thích sự sáng tạo của học sinh, qua đó giúp các em thấy được liên hệ giữa kiến thức khoa học với ứng dụng thực tiễn. Đại diện Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, khoảng 5 năm trở lại đây, bộ đã giao quyền chủ động tổ chức chương trình dạy và học cho các trường phổ thông, tạo điều kiện cho giáo viên mạnh dạn áp dụng các phương pháp dạy học đổi mới và sáng tạo. 

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. 

Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), khi chia sẻ tại hội thảo định hướng giáo dục STEM tổ chức gần đây, cũng nêu rõ chủ trương của sở khuyến khích các trường đưa STEM vào giảng dạy. Cụ thể, công tác triển khai bắt đầu từ việc đào tạo kỹ năng cho giáo viên, thay đổi cách dạy và học trong nhà trường gắn với thực tế và nhu cầu xã hội. Tiếp đó là xây dựng các hoạt động dạy học theo dự án, nhân rộng mô hình này tại nhiều trường phổ thông. 

Về hiệu quả của việc tổ chức lớp học theo định hướng STEM, thầy Nguyễn Tường Thịnh cho biết, ngoài việc giúp học sinh biết vận dụng kiến thức khoa học vào đời sống thực tiễn, nhớ và hiểu sâu hơn kiến thức, còn giúp các em tăng thêm hứng thú, sự tập trung trong học tập. Thông qua các hoạt động trao đổi, làm việc nhóm, học sinh được nâng cao khả năng giao tiếp, biết cách xử lý bất đồng và thuyết phục người khác. Do vậy, hiện nay đã có một số trường mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để áp dụng phương pháp dạy học này: Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) có phòng học STEM với kính thực tế ảo; Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) và Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2) đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học theo định hướng STEM; các trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) phát triển câu lạc bộ robotic trong trường học…

Cần linh động áp dụng 

Không phủ nhận tính hiệu quả của phương pháp giáo dục STEM. Tuy nhiên, cũng cần thấy có những mô hình chưa phù hợp và nhiều mô hình chưa được triển khai quyết liệt, nhân rộng trong thực tế. Như hồi tháng 10-2017, Sở GD-ĐT TPHCM ký hợp tác với Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đưa mô hình giáo dục STEM vào trường học thông qua công nghệ ứng dụng trên điện thoại di động.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, đây sẽ là một trong những công cụ giúp học sinh tiếp cận phương pháp học tập mới, sử dụng những kiến thức đã học giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống thông qua môi trường học tập mở trên điện thoại di động. Sở yêu cầu các trường nghiên cứu chi tiết mô hình, giới thiệu cho giáo viên, phụ huynh tham gia thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, sau 1 năm ký kết, mô hình này vẫn chưa được triển khai đến các trường; những tính năng nổi trội hỗ trợ học tập chưa đến với học sinh.

Mặt khác, theo chia sẻ của hiệu trưởng một trường THCS ở quận 5, cô đã được mời dự rất nhiều hội thảo chia sẻ giải pháp về STEM, cũng như được các doanh nghiệp “chào mời” nhiều thiết bị công nghệ ứng dụng STEM trong trường học như kính thực tế ảo, tivi đa diện, máy tính bảng với phần mềm tương tác… Tuy nhiên, giá của hầu hết thiết bị đều cao so với khả năng đáp ứng của trường, có thiết bị lên đến 40 triệu đồng/chiếc. Nếu trang bị cho một phòng thí nghiệm từ 35 - 40 học sinh thì tổng chi phí không hề nhỏ. 

Thầy Hồ Nguyên Phúc, giáo viên Tổ Vật lý Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết tiết học với thời lượng 45 phút không đủ cho giáo viên tổ chức các hoạt động giảng dạy STEM. Thay vào đó, các trường phải tận dụng thời gian ở buổi 2 để tổ chức giảng dạy. Ngoài ra, một phương pháp giáo dục không thể phù hợp với tất cả học sinh nên giáo viên phải dựa vào tình hình thực tế và trình độ học sinh ở lớp để triển khai các hoạt động.

Đồng quan điểm, giáo viên một trường ở quận Gò Vấp chia sẻ: Hiện nay, mọi thứ từ biên soạn giáo án, lựa chọn kiến thức ở từng môn học để triển khai tích hợp, tiêu chuẩn phòng học công nghệ đến hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, các trường đều tự mày mò, vừa làm vừa nhìn nhau rút kinh nghiệm. Do đó, dù có chung tên gọi là tiết học STEM, nhưng mỗi trường áp dụng một hình thức và mức độ khác nhau. 

Thời gian tới, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, lãnh đạo các trường đều hy vọng Bộ GD-ĐT có thêm hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với phương pháp dạy học này để việc thực hiện tránh rơi vào cảnh mỗi nơi một kiểu, làm theo phong trào nhưng thiếu hiệu quả.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top