Đại biểu Quốc hội lo ngại về "điểm đen" trong giáo dục

16:18 - Thứ Sáu, 26/10/2018 Lượt xem: 6555 In bài viết
Gian lận thi cử bị cử tri coi là “điểm đen không nên có” trong năm 2018 của ngành giáo dục. Bên cạnh đó, nhiều băn khoăn của cử tri về những vấn đề hạn chế còn tồn tại trong lĩnh vực giáo dục đã được các đại biểu Quốc hội truyền tải đến Chính phủ, Quốc hội và đề nghị khắc phục trong thời gian tới.

Sáng 26-10, tại phiên thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế-xã hội Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thẳng thắn phát biểu: Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo cử tri tỏ ra thất vọng với đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục”. Cho rằng Kỳ thi còn có quá nhiều lỗ hổng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đưa ra minh chứng là năm 2017 đề thi quá dễ đã tạo cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần so với năm 2016 và bi kịch là có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 lại quá khó và phát hiện ra chuyện động trời là gian lận trong thi cử. “Đây là những điểm đen mà không nên có trong lĩnh vực nêu trên. Tôi chuyển toàn bộ băn khoăn của cử tri đến Chính phủ, Quốc hội và đề nghị chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới”.

 
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 26-10.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) trong phát biểu cũng nhắc tới những hạn chế trong lĩnh vực giáo dục gây bức xúc trong dư luận như: chất lượng giáo dục đại học chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT, vấn đề sách giáo khoa…và cho rằng một số vấn đề cá biệt trở nên nóng hơn trong 9 tháng vừa qua như một loạt gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, tình trạng bất ổn trong thị trường phát hành sách giáo khoa cho học sinh phổ thông.

Về giải pháp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng những giải pháp Chính phủ đưa ra còn chưa có tính đột phá vì gần giống các giải pháp đã nêu Kỳ họp trước. Cần phân tích chính xác nguyên nhân gây bất cập thiếu sót vừa xảy ra để tìm ra mắt xích bị lỗi trong quá trình vận hành.

Cụ thể, đại biểu cho biết, trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình chung thi THPT năm 2018 được xây dựng chặt chẽ, quy chế thi được ban hành đầy đủ nhưng còn sơ hở trong bảo mật. “Cần chỉ rõ bộ phận hay cá nhân nào trực tiếp chịu trách nhiệm mới đề ra biện pháp khắc phục hiệu quả cũng như lấy lòng tin của nhân dân” – đại biểu nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cử tri và nhân dân đề xuất, kiến nghị, báo chí đã nêu, Chính phủ đã có tập trung chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Các đại biểu muốn đề cập, phân tích, kiến nghị để Chính phủ và các bộ, ngành có các giải pháp tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới. Đó là các vấn đề như: Vấn đề tinh giản biên chế viên chức sự nghiệp, nhất là viên chức giáo dục cần có lộ trình và cân nhắc kỹ; Tình trạng thừa thiếu giáo viên; Tình trạng nhồi nhét 50, 60 học sinh trên một lớp ở các thành phố, thị xã; Vấn đề sách giáo khoa phổ thông; Tình trạng bạo lực học đường…

Về tình trạng thiếu giáo viên và sự bất hợp lý trong công tác tuyển dụng giáo viên đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phản ánh: Thiếu giáo viên thực sự ở nhiều tỉnh, nhưng bắt buộc vẫn phải cắt hợp đồng, nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì một số năm gần đây, không được giao thêm biên chế, không được hợp đồng, làm công việc chuyên môn là sự vận dụng cứng nhắc, máy móc, không thực tế, vừa gây bức xúc trong đội ngũ giáo viên và hại đơn, hại kép, trước mắt cũng như lâu dài, nguy cơ tái mù chỉ trong nay mai. Đương nhiên thành quả xây dựng nông thôn mới, thành quả phổ cập giáo dục không thể vững chắc. “Chúng tôi đề nghị Bộ Nội vụ cần xuống một số địa phương điển hình, vùng miền, để khảo sát thực tiễn, lắng nghe nhằm tham mưu cho Chính phủ nhằm giải quyết tốt, kịp thời vấn đề này” – đại biểu đề nghị

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng - Phú Thọ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tạo ra lộ trình hợp lý để các địa phương được quyền chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đang có thu nhập rất thấp, quá tải về công việc, đồng thời đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư vào giáo dục, y tế ở những nơi, lĩnh vực có điều kiện.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ mong muốn thời gian tới Chính phủ quan tâm hơn nữa hai ngành an sinh xã hội quan trọng là giáo dục và y tế. “Trong báo cáo Chính phủ đã khẳng định chúng ta đã thành công đang ghi nhận trong phát triển kinh tế khi người dân căn bản có cơm ăn, áo mặc thì người dân quan tâm nhất chính là bảo đảm sức khỏe của mình, người thân và chăm lo học tập cho con em. Tôi mong Chính phủ tăng cường đầu tư và theo dõi giám sát, nâng cao chất lượng hai ngành này để số ngoại tệ khổng lồ chạy ra nước ngoài phục vụ chữa bệnh và du học ngày càng giảm theo thời gian” – đại biểu nhấn mạnh.

P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top