Dạy thêm - học thêm:

Khó kiểm soát

09:53 - Thứ Năm, 01/11/2018 Lượt xem: 8669 In bài viết

ĐBP - Dạy thêm, học thêm lâu nay được xem là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhất là với cấp tiểu học. Khi mà vì rất nhiều lý do tình trạng dạy “chui” vẫn ngầm diễn ra và học sinh tiểu học quay cuồng với guồng quay học chính - học thêm vì nhiều lẽ…

 

Học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ (TP. Ðiện Biên Phủ) hưởng ứng Tuần lễ Học tập suốt đời năm 2018 với chủ đề “Trong cách học phải lấy tự học làm cốt”.

Có rất nhiều lý do để phụ huynh tìm đến các thầy, cô giáo nhờ phụ đạo “tại gia”. Trong số đó, không ít người vì “ngại” dạy con học hoặc không có thời gian kèm con học hoặc vì cho con đi học để “ngoại giao” với thầy, cô qua đó con được đối xử bình thường, thậm chí là quan tâm hơn các bạn cùng lớp… Chị T. ở phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) than thở với chúng tôi vì đã quyết để bé H. đang học lớp 3 ở một trường tiểu học trên địa bàn thành phố tới nhà cô giáo học thêm đã hơn 1 tháng nay. Chị T. bảo: Trăn trở mãi về việc có nên cho con đi học thêm hay không, không hẳn là vì gánh nặng áo cơm mà vì lo con không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, bởi chương trình học của con đã là 2 buổi/ngày. Thế nhưng vào năm học chưa đầy 1 tháng thì bé H. đi học về thì thầm với mẹ: Các bạn lớp con đến nhà cô giáo học nhiều lắm rồi mẹ ạ. Chỉ còn con và một số bạn nữa chưa đi học thêm thôi. Các bạn bảo, cô giáo đã dặn không được kể với các thầy, cô giáo khác và cũng không được nói chuyện trên lớp là đến nhà cô giáo học thêm… Thương con vì cả ngày đã kín lịch học ở trường nên không muốn cho con đi học. Nay thấy con nói vậy mà thái độ của con có gì đó sốt ruột, chị T. đành đến nói khó để con được đi học thêm. Vậy là tan trường về đến nhà khoảng 17 giờ, chị T. vội vàng nấu cơm cho con ăn rồi 2 mẹ con lại lên xe phóng tới nhà cô để kịp học ca từ 19 - 21 giờ. Học ca đó mới xong tiếng Việt và Toán. Vậy là chị T. lại đón con về nhà để ôn bài môn Tiếng Anh và một số môn học khác. Nhiều hôm thấy con đi học về uể oải, mệt mỏi ngủ gục trên bàn học mà xót, nhưng vẫn phải đưa con đi.

Còn với gia đình chị P. ở phường Thanh Bình thì mong muốn con có kỹ năng tiếng Anh tốt nên ngoài chương trình học chính ở trường, cuối tuần nào cũng vậy đều đặn 2 ngày 4 buổi, bé N. được đưa đến nhà cô giáo luyện tiếng Anh. Không gian chật chội với gần 20 bé học/ca khiến bé N. không muốn học. Nhưng vì gần nhà, cô giáo lại là người có kinh nghiệm giảng dạy nên chị P. vẫn phải động viên để bé N. theo học. Vậy là thay vì cuối tuần được nghỉ ngơi, vui chơi thì phần lớn thời gian của bé N. lại vùi đầu bên sách vở. Chẳng biết các bé học có được nhiều kiến thức từ những buổi học thêm, nhưng điều dễ nhận thấy đó là con trẻ không có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi.

Một vấn đề mà nhiều phụ huynh có con học thêm khá băn khoăn đó là cũng vì học thêm mà khá nhiều phần kiến thức đáng lẽ học trên lớp lại được các thầy, cô dạy thêm từ trước hoặc giảng giải trong giờ học thêm. Chị T. giật mình khi cùng soạn sách, kiểm tra môn Toán, tiếng Việt của con thấy những bài tập khoanh tròn, đánh dấu chưa làm, hỏi con thì nhận được câu trả lời: Cuối tuần đi học thêm cô giáo… hướng dẫn giải! Dù tình trạng này không phải quá phổ biến, song vô hình trung trẻ dễ sinh tâm lý ngại suy nghĩ, lười tư duy mà phụ thuộc vào thầy, cô giáo và các giờ học thêm.

Dạy thêm ở bậc tiểu học đã bị nghiêm cấm từ nhiều năm nay; nhất là từ năm 2012 - khi thực hiện Thông tư số 17/2012 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định về dạy thêm, học thêm. Dù thông tư này đã quy định rất rõ: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm văn hóa đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Với cấp THCS, THPT phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép; không tổ chức dạy thêm vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết. Tuy nhiên, việc quản lý học thêm, dạy thêm còn nhiều khó khăn. Ðể tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, dạy “chui” tại gia, dạy ngoài giờ theo hình thức kèm và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh thì đương nhiên là khó có thể phát hiện và xử lý.

Ðể chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm cùng với việc tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Ðào tạo đã yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục và giáo viên cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong dạy thêm, học thêm. Còn về phía gia đình, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên dành thời gian để các em được tham gia hoạt động vui chơi, giải trí, học các môn năng khiếu tăng cường thể lực và phát triển tư duy sáng tạo.

Thực tế cho thấy, dạy thêm - học thêm như một quy luật “cung” - “cầu”. Vì thế, dù có cấm bằng văn bản có dấu đỏ mực đen nhưng hoạt động này vẫn đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức hợp pháp và bất hợp pháp. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đó là đả thông tư tưởng cho chính phụ huynh học sinh về việc này để bản thân họ có sự lựa chọn, quyết định đúng đắn cho việc có nên cho con học thêm? “Cầu” không có thì đương nhiên sau dần khắc tự không còn đất sống…

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top