San sẻ gánh nặng về SGK cho giáo dục vùng khó

09:55 - Thứ Năm, 01/11/2018 Lượt xem: 7684 In bài viết

ĐBP - Trước những phản ánh từ dư luận về việc sách giáo khoa (SGK) hiện nay chỉ dùng được một lần vì có nhiều nội dung học sinh viết trực tiếp vào sách, gây lãng phí, ngày 24/9, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDÐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Ngay sau khi những thông tin đầu tiên về chỉ thị được công khai đã tạo nên làn sóng dư luận với không ít ý kiến trái chiều, nhất là những nội dung có liên quan đến việc “yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không viết, vẽ vào SGK”. Ở cấp vĩ mô, việc thực hiện theo tinh thần chỉ thị sẽ giúp giải quyết vấn đề lãng phí nguồn kinh phí lớn dành cho giáo dục mỗi năm. Còn nhìn ở góc độ của giáo dục miền núi như Ðiện Biên thì đó là sự san sẻ  gánh nặng về SGK cho con em vùng khó.

 

Cô giáo Phạm Thị Hải, Trường Tiểu học Thanh Chăn hướng dẫn học sinh sử dụng phiếu học tập thay thế SGK.

Giữ gìn và quyên góp sách là phong trào truyền thống

Chỉ thị đã nêu rõ yêu cầu giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; học sinh không viết, vẽ vào SGK. Các đơn vị tăng cường kiểm tra việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý…

Rất nhiều ý kiến tỏ rõ quan điểm không hợp lý của một nội dung được đề cập trong chỉ thị: “Học sinh không được viết, vẽ vào SGK”, bởi cho rằng việc phụ huynh bỏ tiền túi để mua SGK thì đó là tài sản riêng, con em họ được toàn quyền quyết định việc sử dụng nó như thế nào. Các ý kiến này đều không sai khi xét về phương diện pháp lý. Tuy nhiên, khi nhìn nhận thực tế chung cả nước thời gian qua thì rõ ràng, trong khi ở vùng cao, có nơi 2 - 3 học sinh cùng sử dụng chung 1 quyển SGK, thì theo tính toán, hàng năm lại có hàng nghìn tỷ đồng bị lãng phí do SGK chỉ sử dụng được 1 lần.

Ðối với Ðiện Biên, nơi có trên 70% học sinh là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, vùng sâu, vùng xa, hơn 40% là hộ nghèo. Ðầu năm học, cùng với các khoản tiền bắt buộc phải đóng góp, thì số tiền dùng để mua SGK mặc dù chỉ khoảng trên 100 - 200 nghìn đồng, song cũng là áp lực không nhỏ đối với các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình cùng lúc có 2 - 3 trẻ theo học phổ thông.

Xuất phát từ thực trạng khó khăn về SGK nhiều năm trước, cá biệt ở một số khu vực 2 - 3 học sinh phải sử dụng chung 1 quyển SGK, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đã phát động phong trào quyên góp sách ủng hộ học sinh vùng khó. Với ý nghĩa và giá trị nhân văn này, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị trường học. Ban đầu chỉ là quyên góp, rồi chọn lọc, kết quả lượng sách phải bỏ đi do học sinh viết, vẽ vào còn nhiều hơn cả số sách có thể tái sử dụng. Ðể nâng cao hiệu quả phong trào, các nhà trường và bản thân mỗi giáo viên là tuyên truyền viên, vận động và hướng dẫn để học sinh không viết, vẽ vào SGK.

Ðối với Phòng Giáo dục và Ðào tạo TP. Ðiện Biên Phủ, việc hướng dẫn và yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào SGK đã được các đơn vị trường học triển khai thực hiện, nhất là từ khi đưa chương trình giáo dục công nghệ mới vào thực hiện. Ðánh giá cao giá trị nhân văn của tinh thần Chỉ thị 3798/CT-BGDÐT, ông Vũ Minh Trung, Phó phòng Giáo Dục và Ðào tạo TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: “Ðể làm được theo đúng tinh thần chỉ thị thì buộc mỗi giáo viên phải vất vả hơn, nhất là đối với giáo viên lớp 1. Song đổi lại, bản thân học sinh vùng khó sẽ được thụ hưởng kết quả đó. Chúng tôi không coi đây là một quy định mang tính pháp lý để áp đặt các đơn vị nhà trường, cũng như giáo viên phải máy móc thực hiện, mà chỉ khuyến khích thêm. Trên thực tế, những năm gần đây, chúng tôi đều đã thực hiện việc tuyên truyền, vận động học sinh không viết, vẽ vào SGK. Cuối mỗi năm học sẽ tổ chức quyên góp sách. Kết quả đạt được tương đối khả quan, bình quân có trên 70% số SGK được sử dụng lại và gần như toàn bộ số sách này được ủng hộ cho các đơn vị giáo dục ở vùng khó”.

Thực tế ở Ðiện Biên cho thấy, không phải khi có Chỉ thị thì mới bắt tay vào triển khai thực hiện, mà đây là phong trào truyền thống đã được các cơ sở trường học triển khai sâu rộng nhiều năm qua. Vì vậy, trung bình mỗi năm tỉnh có trên dưới 70% SGK được sử dụng lại, có những cơ sở làm tốt thì con số này đạt tới trên 90%.

Nhiều giải pháp sáng tạo để thực hiện hiệu quả

Không viết, vẽ vào SGK, đối với bậc THCS thì vấn đề chỉ nằm ở ý thức của mỗi học sinh. Nhưng đối với bậc tiểu học, có những bài tập được thiết kế cho học sinh thao tác trực tiếp lên SGK lại gây nhiều tranh cãi. Bởi theo đúng yêu cầu thì các em buộc phải thực hiện các bài tập ra ngoài SGK; trong khi đây là lứa tuổi đang trong quá trình tập viết chữ, nhiều người lo ngại, liệu có đủ thời gian cho một giờ lên lớp?

Là giáo viên đã công tác gần 20 năm, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nên cô giáo Phạm Thị Hải, Trường Tiểu học Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) thường xuyên được Ban Giám hiệu nhà trường giao chủ nhiệm học sinh lớp 1. Từ nhiều năm nay, cùng với đồ dùng giảng dạy, SGK, mỗi lần lên lớp cô Hải thường chuẩn bị thêm phiếu học tập, phiếu giao việc để phát cho học sinh. Bài tập trong các phiếu này được thiết kế tương tương với SGK, nên các em thực hiện các thao tác (điền ô trống, nối từ…) vào phiếu. SGK ở đây có giá trị như một tài liệu tham khảo chuẩn. Cô Hải cho biết: “Ðể chuẩn bị những tài liệu này tôi mất thêm nhiều thời gian hơn so với trước, nhưng chỉ cần thiết kế 1 lần thôi là có thể sử dụng cho nhiều năm học tiếp theo. Về kinh phí in ấn tài liệu thì có phần tốn kém hơn đôi chút, nhưng nhà trường có máy photo nên giáo viên như tôi ít khi phải bỏ tiền túi”. Tuy nhiên, không phải buổi học nào cũng thực hiện theo phiếu học tập mà phiếu này chủ yếu thường được giao cuối tuần cho các em mang về nhà thực hiện. Một giải pháp được cô giáo Hải hướng dẫn học sinh áp dụng khá thường xuyên đó là sử dụng bút chì. Cuối năm, sau khi quyên góp, ủng hộ sách, giáo viên nhà trường sẽ có trách nhiệm rà soát và xóa toàn bộ những chỗ đã vẽ này, trước khi lưu giữ để hỗ trợ học sinh các năm học sau.

Bà Vũ Thị Trung Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Chăn, cho biết: “Khó khăn nhất là đối với học sinh lớp 1, vì các em đang tập viết. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không để ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh nên giáo viên được giao chủ nhiệm học sinh khối lớp 1 và 2 đều là giáo viên dạy giỏi, có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo để đưa ra những giải pháp phù hợp. Ða phần các cô giáo sẽ thiết kế phiếu để học sinh thực hiện bên ngoài SGK; nhưng cũng có những học sinh hạn chế về khả năng viết thì cô giáo lại cho các em tự viết vào vở bài tập của mình để rèn luyện kỹ năng này. Cần thiết thì sẽ có thêm những tiết học phụ đạo”.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top