Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú

Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học

08:40 - Thứ Sáu, 02/11/2018 Lượt xem: 8638 In bài viết

ĐBP - Hỗ trợ học sinh bán trú là một trong những chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với học sinh miền núi và vùng đặc biệt khó khăn. Những năm qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú, góp phần thực hiện tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế tối đa số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương...

 

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Ngối Cáy, xã Ngối Cáy.

Hiện toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT; 138 trường PTDTBT (tiểu học 73 trường, THCS 65 trường). Tổng số học sinh bán trú hiện nay là 47.219 (tiểu học 19.685; THCS 19.830; THPT 7.704 học sinh). Ðể thực hiện tốt các chế độ chính sách với học sinh nói chung, chế độ chính sách đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói riêng; Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo triển khai các văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ học sinh tới tất cả các trường học trên địa bàn; việc xét duyệt chi trả chế độ cho học sinh được thực hiện công khai, minh bạch. Ngay từ đầu năm học các trường đã tổ chức tuyên truyền phổ biến, thông báo đến tất cả phụ huynh học sinh thuộc đối tượng được hưởng chính sách; phối hợp với UBND các xã xét duyệt học sinh được hưởng chế độ; lập danh sách học sinh đủ điều kiện được hỗ trợ gửi về phòng giáo dục và đào tạo tổng hợp, thẩm định và trình UBND huyện phê duyệt...

Mường Ảng - một trong những huyện thực hiện kịp thời các chế độ chính sách cho học sinh. Ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cho biết: Ngay từ đầu năm học, Phòng đã triển khai hướng dẫn các đơn vị trường tổ chức rà soát xét duyệt chế độ chính sách học sinh năm học 2018 - 2019, đến nay đã hoàn thiện công tác thẩm định, xét duyệt được UBND huyện phê duyệt số lượng cụ thể: Chế độ hỗ trợ học sinh bán trú theo Nghị định 116 tổng số 1.666 học sinh, kinh phí 9.643.098.000 đồng (gồm hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ kinh phí mua sắm dụng cụ thể dục thể thao và tủ thuốc....). Hỗ trợ 91 học sinh khuyết tật theo Thông tư 42 với kinh phí 450.268.000 đồng… Hàng năm, mọi chế độ chính sách đều được chi trả, đầy đủ, kịp thời đến học sinh…

Thầy Bùi Tấn Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Ngối Cáy, xã Ngối Cáy, cho biết: Trường không thuộc trường bán trú nhưng do điều kiện xã có một số bản cách trung tâm xã từ 7 - 10km, đường đèo dốc gây khó khăn cho việc đi lại của học sinh. Nhà trường đã xin chủ trương của Phòng, huyện và ý kiến phụ huynh học sinh, tổ chức ở bán trú cho những học sinh xa trường từ 7km trở lên. Hiện nay, toàn trường có  272 học sinh; trong đó, 69 em ở bán trú tại trường, 3 em trọ ngoài; 100% các em là dân tộc Mông. Vào đầu năm học, trường ký hợp đồng cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm với các cơ sở đáng tin cậy cho nhà bếp. Ðể công tác bán trú thực hiện được tốt, trường đã xây dựng nội quy bán trú, phân công trách nhiệm đối với mỗi bộ phận, hàng ngày cử giáo viên quản lý học sinh ăn, nghỉ, học tập, vui chơi thể dục thể thao và trồng rau xanh, tăng gia sản xuất... Từ khi trường tổ chức ở bán trú cho học sinh đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh nghỉ học. Trước kia vào các dịp sau nghỉ hè, nghỉ tết nguyên đán hoặc vào tháng giáp hạt; tỷ lệ học sinh nghỉ học cao, Trường phải cắt cử giáo viên tới tận nhà để động viên phụ huynh học sinh cho các em đến trường...

Em Lý Thị Ðĩa, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Ngối Cáy cho biết: Nhà em ở bản Nậm Chan 3, cách trường gần 10km, đường đi lại rất vất vả. Ðược ở bán trú tại Trường giúp em có nhiều thời gian học tập hơn và được các thầy, cô hướng dẫn học tập sau giờ lên lớp. Vào đầu năm học mới chúng em được cấp đồ dùng sinh hoạt cá nhân (xô, chậu, khăn mặt, xà phòng…). Sau mỗi buổi học, chúng em được ở lại trường, có đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top